Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế tháng 2-1955, Bác Hồ từng viết: “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Trên cơ sở học tập quán triệt, tư tưởng của Bác, những năm qua ngành y tế cụ thể hóa bằng hành động cụ thể để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân.
Điều dưỡng Lê Thị Khánh Quy hướng dẫn sản phụ chăm sóc trẻ tại Bệnh viện Bà Rịa. |
Chị Lê Thị Khánh Quy - nữ hộ sinh phụ trách khu phòng bệnh dịch vụ BV Bà Rịa - đang hướng dẫn các điều dưỡng, nữ hộ sinh chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh thì nghe thấy tiếng trẻ khóc thét trên tay một người mẹ trẻ. Chị dừng công việc, đến gần người sản phụ trẻ tuổi và ân cần giúp đỡ. Chị nhẹ nhàng bế đứa bé, quấn chiếc khăn lớn thành “ổ kén”, đưa tay nhẹ nhàng. Đứa trẻ nín khóc và chìm vào giấc ngủ chỉ sau vài phút, trước sự ngạc nhiên của người mẹ trẻ.
Chị Quy chia sẻ: “Không phải người phụ nữ nào cũng có thể có kinh nghiệm chăm sóc trẻ từ ngày đầu tiên. Do đó, ngoài chăm sóc y tế, chúng tôi rất chú trọng hướng dẫn sản phụ kỹ năng chăm sóc trẻ. Để làm một cách chuyên nghiệp, chúng tôi cũng phải thường xuyên tự học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng và ghi nhận những phản hồi từ phía bệnh nhân”.
Phục vụ và hỗ trợ bệnh nhân bằng những kỹ năng chuyên nghiệp là yêu cầu mà BV Bà Rịa đặt ra với đội ngũ y, bác sĩ của đơn vị, nhằm thực hiện chỉ đạo của Đảng bộ Sở Y tế về xây dựng người cán bộ y tế với “Nụ cười từ trái tim”. Điều này đã làm thay đổi phong cách phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ BV Bà Rịa và được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cảm mến.
Anh Nguyễn Hùng (phường Phước Hưng, TP.Bà Rịa) đến khám tại BV Bà Rịa chia sẻ: “Cung cách phục vụ ở BV giờ khác xưa rất nhiều, nhất là thái độ của y, bác sĩ. Tôi vừa đến sảnh của BV đã được nhân viên y tế chào đón bằng nụ cười niềm nở. Thấy tôi bị đau chân, đi lại khó khăn, nhân viên BV dìu tôi đến tận phòng khám”.
Không chỉ ở BV Bà Rịa, các cơ sở y tế khác trong tỉnh thời gian qua đều chú trọng xây dựng phong cách phục vụ văn minh, thân thiện. Mỗi một nhân viên y tế đã ý thức hơn đến việc rèn luyện thái độ ân cần phục vụ người bệnh trong mọi hoàn cảnh. Điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng, Khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Đất Đỏ cho biết: “Để người bệnh hài lòng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều dưỡng vẫn phải niềm nở, giữ thái độ điềm tĩnh. Để làm được điều này, mỗi ngày chúng tôi phải rèn luyện bản thân, học tập trau dồi quy tắc ứng xử nhã nhặn khi tiếp xúc với bệnh nhân”. Còn bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Lê Lợi chia sẻ: “Dù áp lực công việc cao, cán bộ, nhân viên y tế luôn phải giữ thái độ điềm tĩnh, chuẩn mực khi giao tiếp, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân”.
Bác sĩ Phạm Minh An, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc xây dựng người cán bộ y tế có thái độ phục vụ văn minh, thân thiện không chỉ là phong trào nhất thời, mà là nhiệm vụ chuyên môn phải thực hiện thường xuyên trong toàn ngành. Mỗi nhân viên y tế phải thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu” để yêu thương, chăm sóc bệnh nhân chu đáo như người thân của mình. “Trong thời gian qua, tinh thần lương y như từ mẫu đã được các cơ sở y tế chú trọng xây dựng và đã có sự lan tỏa sâu rộng. Cụ thể, kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh, người nhà bệnh nhân hàng năm đối với các bệnh viện, trung tâm y tế đều đạt trên 80%, một số bệnh viện đạt sự hài lòng trên 90%”, bác sĩ Phạm Minh An cho biết thêm.
Bài, ảnh: MINH THIÊN