Những năm qua, Chi bộ Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) đã triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, GV, HS các nội dung thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Từ đó, chất lượng dạy-học được nâng cao.
Học sinh lớp 12B4 thảo luận nhóm trong giờ học Văn theo kỹ thuật các mảnh ghép. |
HỌC VĂN THEO CÁCH MỚI
Tại tiết học Văn sáng 4-4 của lớp 12B4, Cô Lê Thị Trang Nhung, Tổ trưởng tổ Văn chia lớp thành 4 nhóm phân tích bài thơ “Tây tiến” theo kỹ thuật các mảnh ghép. Mỗi nhóm được giao phân tích bài thơ qua một chủ đề như: Phương châm sống của tuổi trẻ qua hình ảnh người chiến sĩ-những chàng trai Hà Nội vượt qua gian khổ, hy sinh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; Những nét đẹp của núi rừng Tây Bắc qua những câu thơ… Với phương pháp này, cô Trang Nhung không còn là người đứng giảng cả giờ học mà trở thành người quan sát, hướng dẫn. Khi nhóm HS nào gặp khó, cô sẽ gợi ý, định hướng để các em tập trung vào chủ đề được giao.
Sau thời gian quy định, mỗi nhóm cử 1 thành viên trình bày chủ đề được giao, các nhóm còn lại đặt câu hỏi phản biện, làm rõ thêm. Cuối cùng, cô Trang Nhung chốt lại các chủ đề vừa trình bày của HS, nhận xét tinh thần và thái độ làm việc nhóm của từng HS. Giờ học Văn nhẹ nhàng trôi qua, HS được bổ sung thêm nhiều kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện. Em Lê Tuấn Anh, HS lớp 12B4 chia sẻ: “Giờ học rất thú vị, có ích cho tất cả các bạn trong lớp. Mỗi bạn phải nêu cao tinh thần làm việc nhóm, đồng thời tìm hiểu và nắm chắc kiến thức để chia sẻ với các bạn ở nhóm khác. Học theo kỹ thuật mảnh ghép giúp HS tích cực học tập, rèn luyện các kỹ năng mềm, thu nạp được nhiều kiến thức”.
Bổ sung cho những giờ học theo kỹ thuật các mảnh ghép, theo phương pháp giáo dục STEM (cung cấp các kiến thức và kỹ năng liên ngành, cần thiết cho HS), nhà trường đã tăng cường các hoạt động ngoại khóa cho HS. Các hoạt động ngoại khóa giúp HS tự tìm hiểu, tự nghiên cứu lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương hoặc trải nghiệm các nghề để chọn nghề phù hợp. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Trường THPT Châu Thành phối hợp với một trường ĐH tổ chức hoạt động ngoại khóa ở Đà Lạt cho HS. Theo đó, HS được trải nghiệm các nhóm nghề: Sản xuất, kinh doanh, phân tích thị trường… qua sự hướng dẫn của các giảng viên ĐH. HS tự tìm hiểu, thu thập thông tin tại chợ Đà Lạt, các làng nghề, các điểm sản xuất-kinh doanh và làm báo cáo chi tiết. Trong báo cáo, HS tự đánh giá mình có phù hợp với nghề này hay không.
Em Nguyễn Minh Nhựt (thứ 4 từ trái qua), lớp trưởng lớp 10A1 trao đổi với các bạn về kế hoạch tổ chức hoạt động đưa HS trong trường đến tìm hiểu lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP. Bà Rịa. |
VÀ DỰ ÁN “TÔI YÊU BÀ RỊA”
Tháng 3 vừa qua, HS 3 lớp 10A1, 10A2, 10B4 đã hoàn thành dự án “Tôi yêu Bà Rịa” sau 2 tháng thực hiện. Sản phẩm của dự án là các video clip, sách ảnh “Cẩm nang du lịch Bà Rịa” giới thiệu các địa danh lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố. Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ của Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Bà Rịa, tiến sĩ Nguyễn Đình Thống (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) cùng các GV của trường. HS của 3 lớp được chia thành các nhóm đến tìm hiểu, thu thập thông tin, hình ảnh, quay video về địa đạo Long Phước, làng bún Long Kiên, làng nghề nấu rượu Hòa Long… Dự án “Tôi yêu Bà Rịa” cũng chính là một trong những hoạt động thực hiện Chỉ thị 05 của Trường THPT Châu Thành.
Chia sẻ về những kết quả sau khi thực hiện dự án, em Nguyễn Minh Nhựt, lớp trưởng lớp 10A1 cho hay: Dự án nhằm phát triển du lịch TP. Bà Rịa đồng thời khơi gợi cho HS niềm tự hào về truyền thống quê hương, trân trọng các giá trị lịch sử, văn hóa và là sân chơi để HS phát triển các kỹ năng mềm. Hiện nay, các nhóm thực hiện dự án đã lên kế hoạch tự tổ chức hoạt động đưa HS trong trường đến tìm hiểu lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP. Bà Rịa.
Cô Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho biết, việc thực hiện Chỉ thị 05 tại trường đã giúp cán bộ, đảng viên, GV, HS thay đổi nhận thức về giáo dục. Đó là đổi mới giáo dục kết hợp với phát triển năng lực cho HS; giáo dục không chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn định hướng xã hội, cùng với đổi mới phương pháp dạy-học, nhà trường chú trọng định hướng tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.
Bài, ảnh: PHÚC LƯU