Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến thế hệ trẻ. Người đã dành nhiều thời gian, tình cảm, trí tuệ, công sức giáo dục, bồi dưỡng thanh niên - lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
ĐVTN Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam phát quang bụi rậm ở khu vực Hải Đăng Vũng Tàu. Ảnh: MINH NHÂN |
Trong trái tim yêu thương cũng như tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên là “mùa xuân của xã hội”, “người chủ tương lai của nước nhà”, “rường cột của đất nước”, “đội hậu bị tin cậy, cánh tay đắc lực của Đảng”. Người khẳng định: Thanh niên có vai trò vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của đất nước “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.
Dưới nền giáo dục do Bác Hồ và Đảng khởi xướng, cùng với sự quan tâm của toàn xã hội và nỗ lực của tổ chức Đoàn Thanh niên, các thế hệ thanh niên nước ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh. Trong chiến tranh giải phóng, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thế hệ trẻ miền Bắc được rèn luyện, thử thách trong phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng nhập ngũ; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. “Thanh niên ba sẵn sàng” trở thành phong trào thi đua yêu nước của thanh niên miền Bắc XHCN, hun đúc nên nhiều thế hệ thanh niên những phẩm chất tốt đẹp, sống có mục tiêu, lý tưởng, yêu nước, dám hy sinh, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Để rồi hơn 3 triệu lượt thanh niên miền Bắc tình nguyện “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vào miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ở miền Nam, phong trào “5 xung phong”: Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch; Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh; Xung phong đấu tranh chính trị, chống bắt lính; Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến và Xung phong sản xuất nông nghiệp. Phong trào “5 xung phong” đã tạo ra nhiều thế hệ thanh niên miền Nam lúc nào cũng hăng hái ra trận, sẵn sàng ra chiến trường chiến đấu mà không ngại gian khổ, ác liệt, không sợ hy sinh. Khi non sông thu về một mối, cả nước cùng xây dựng CNXH, kế thừa và phát huy truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu quê hương, đất nước, xung kích, sáng tạo, thế hệ trẻ lại thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết qua phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Biết bao thế hệ trẻ đi tiên phong trong “Tiếp sức mùa thi”; “Bảo vệ môi trường”; “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Thanh niên khởi nghiệp”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ thắp sáng ước mơ”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”… Thanh niên tình nguyện tỏa về khắp mọi nẻo đường, đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ ướt đẫm mồ hôi vì sự bình yên, phồn vinh của đất nước. Phong trào tình nguyện trở thành môi trường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất cách mạng, giúp thanh niên trưởng thành, hoàn thiện mình, biết cống hiến hy sinh, “một người vì mọi người”.
Nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận thanh niên hạn chế về lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức: Sống buông thả, đua đòi “sính ngoại”, lười học tập, thích ăn chơi, không chịu lao động, ngại tu dưỡng, rèn luyện, không tham gia sinh hoạt đoàn thể xã hội. Một số thanh niên từng bước hư hỏng, nghiện ngập ma túy, rượu chè, cờ bạc, cá độ, mại dâm, buôn lậu; gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; bị các thế lực thù địch lôi kéo chống phá Đảng và Nhà nước. Cùng với nguyên nhân chủ quan là sự tác động của khách quan, như Đảng nhận định: “Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh thiếu niên rất đáng lo ngại”.
Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nhưng “Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”. Người dặn: Đảng cần “chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”; và nhiệm vụ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. “Hồng” là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Người đòi hỏi Đảng phải giáo dục để thanh niên thấm nhuần đạo đức: “Trung thành, dũng cảm, khiêm tốn”, “ham làm những việc ích quốc, lợi dân”, “nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”, “nói ít, làm nhiều”, “Đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau”, “có tinh thần chống tham ô, lãng phí”. Người mong muốn làm sao cho mỗi “thanh niên không phải đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”… “Chuyên” là “tài”, là năng lực. Người quan niệm: “Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”, “Muốn xây dựng CNXH thì nhất định phải có học thức”. Do vậy, Đảng phải tạo mọi điều kiện để thanh niên học tập nâng cao trình độ “văn hóa, chính trị, chuyên môn, khoa học kỹ thuật, quân sự” để có thể cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Ngoài trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và xã hội thì thanh niên phải có trách nhiệm với bản thân. Bác vẫn thường nhắc nhở: Thanh niên phải “tự giác, tự nguyện cải tạo tư tưởng của mình”, thường xuyên rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, chớ kiêu ngạo, tự mãn, “không nên tự cho mình là tài giỏi”, phải luôn “cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để tiến bộ mãi”.
NGUYỄN QUANG PHI