Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, thời gian qua các cựu chiến binh (CCB) đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó của “anh bộ đội Cụ Hồ”. Các CCB không chỉ tự mình vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ đồng đội và tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng.
CCB Cao Thị Nghĩa (phường 11, TP. Vũng Tàu) cùng đồng chí, đồng đội ôn lại những ký ức hào hùng trong kháng chiến. |
CCB Cao Thị Nghĩa (59 tuổi, ở khu phố 1, phường 11, TP. Vũng Tàu) lên đường làm nhiệm vụ y tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (giai đoạn 1979-1989) khi còn là cô thiếu nữ 18, đôi mươi. Bị thương ở chân phải do trúng đạn trong chiến tranh, khi trở về với cuộc sống đời thường, bà lại bị gãy chân do tai nạn. Vì vậy, việc đi lại của bà gặp nhiều khó khăn. Bà ở nhà làm nội trợ, chồng bà làm bảo vệ với mức lương chưa đầy 5 triệu đồng/tháng. Kinh tế gia đình không khá giả, bà luôn gắng chi tiêu chắt bóp. Vậy nhưng, mỗi khi hay tin đồng đội gặp khó khăn, bà lại giúp đỡ rất nhiều, có khi lên đến cả chục triệu đồng. Ở địa bàn dân cư, bà còn vận động nhân dân chung tay chăm lo cho người nghèo, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trở về sau chiến tranh, ông Nguyễn Văn Đức (SN 1943, ở xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) là thương binh hạng ¾ (tỷ lệ thương tật 45%). Dù mang trên mình nhiều vết thương, sức khỏe suy yếu nhưng ông Đức luôn nỗ lực vươn lên bằng đủ các loại công việc. Bằng ý chí, nghị lực và sự chăm chỉ của mình, vừa làm vừa tích cóp, ông đã mở rộng diện tích đất trồng lúa của gia đình lên hơn 2ha với thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm. Khi kinh tế gia đình ổn định, năm 2005 ông Đức và các CCB trong huyện đã cùng nhau thành lập CLB “CCB giúp nhau làm kinh tế” do ông làm chủ nhiệm. Với mô hình này, CLB đã giúp hội viên Hội CCB trong huyện vay hàng trăm con heo, dê giống mỗi năm; đến nhà hội viên chia sẻ, giúp đỡ về kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng quỹ CLB với số tiền hơn 120 triệu đồng cho hội viên vay vốn sản xuất, kinh doanh… Từ sự giúp đỡ của CLB, nhiều hộ gia đình CCB đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã phát triển cơ ngơi chăn nuôi thành mô hình tiểu trại.
Không chỉ nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, các CCB còn là những người có tiếng nói, uy tín ở địa phương. Đơn cử như CCB Nguyễn Thị Thuận (khu phố 1, phường 3, TP. Vũng Tàu). Bà từng trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Năm nay ở tuổi 84, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại khu dân cư: vận động hội viên, nhân dân đóng góp giúp đỡ CCB, phụ nữ, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; chăm lo, khích lệ các cháu học sinh hiếu học; hòa giải các xung đột xóm giềng... Bà Thuận còn tự nguyện trích hơn 1,5 triệu đồng/tháng từ lương hưu của mình để đỡ đầu con, em CCB có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ người nghèo.
Ông Mã Thành Sơn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Làm theo lời Bác, trong những năm qua, các phong trào, cuộc vận động tại khắp các địa phương trong tỉnh luôn có sự tham gia tích cực của hội viên hội CCB các cấp. Các CCB luôn phát huy vai trò, uy tín, gương mẫu đi đầu trong nhiều phần việc; tích cực tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền, được nhân dân yêu mến, kính trọng. “Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa của mình, các CCB trong tỉnh đã, đang và tiếp tục tô sáng hình ảnh đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ”, ông Mã Thành Sơn nói.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH