HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Chăm lo đời sống nhân dân như Bác hằng mong

Thứ Hai, 18/02/2019, 15:38 [GMT+7]
In bài này
.

Lòng yêu nước, thương dân đã thôi thúc anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Và từ rất sớm, trong con người ấy đã tràn đầy tư tưởng nhân văn: “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”. 

Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức (thứ 4 từ trái qua) và bà Phạm Thị Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam (giữa) tặng quà cho người nghèo xã Nghĩa Thành và Suối Nghệ nhân dịp Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: TRUNG HIẾU
Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức (thứ 4 từ trái qua) và bà Phạm Thị Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam (giữa) tặng quà cho người nghèo xã Nghĩa Thành và Suối Nghệ nhân dịp Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: TRUNG HIẾU

Cách mạng thành công, giặc đói, giặc dốt hoành hành, Người đau đáu, trăn trở với cuộc sống của dân: “Chúng ta tranh được tự do độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do độc lập ấy cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân ăn no, mặc đủ”. Ở mọi thời điểm của cách mạng,  Người đặc biệt quan tâm, đặt lên trên hết, trước hết nhiệm vụ chăm lo đời sống của dân. Bởi Người thấm nhuần quan niệm: “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời; “có thực mới vực được đạo” và nhất quán với quan điểm của mình: “Trong bầu trời không gì quý bằng dân”; “Dân có giàu thì nước mới mạnh”.

Chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân đã trở thành lý tưởng, lẽ sống, niềm vui, hạnh phúc và là trách nhiệm cao cả của Người. Trong sâu thẳm trái tim cùng tấm lòng thương dân, với thái độ chân thành, Người thổ lộ rất cảm động và sâu sắc rằng: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ cực là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Vì khát vọng cháy bỏng cuộc sống tự do, ấm no, bình an, hạnh phúc cho dân, Người đã lựa chọn giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản; kiên quyết giành được độc lập dân tộc sẽ đi lên CNXH, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân. Bởi Người khẳng định: Chỉ có chế độ XHCN mới giải phóng triệt để dân tộc, giai cấp và con người; mới “vì con người, vì nhân dân”; mở ra tương lai tươi sáng “làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”.  

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về chăm lo đời sống nhân dân đã trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng dân tộc và nhân loại. Người sống cùng dân, thấu hiểu dân và luôn đồng cam cộng khổ với dân. Người sống giản dị, tiết kiệm, thanh bạch, đạm bạc cũng vì dân. Người khởi xướng phong trào “Tăng gia sản xuất”, “Bình dân học vụ”, “Xây dựng đời sống văn hóa mới”, khuyến khích nhân dân vươn lên làm giàu… cũng nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống thiết thực của dân. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Người đề nghị thực hiện ngay 6 nhiệm vụ cần kíp: Chống giặc đói, giặc dốt, quét sạch tàn dư tệ nạn xã hội, bãi bỏ ngay các thứ thuế vô lý… 

Sau 4 tháng Đảng cầm quyền, Người chỉ thị cho các cấp: Phải làm sao cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành… Những tư tưởng, hành động đó nhằm lo cho dân và vì cuộc sống của nhân dân. Người cảnh báo: “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng”. Người  quy rõ trách nhiệm: Hễ còn một người dân nghèo khổ, Đảng phải cho đó là vì mình chưa làm tròn bổn phận: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi”. 

Người dặn: Thương dân, ngày đêm phải nghĩ về dân, phải lo cho dân từ việc lớn đến việc nhỏ “Dân không đủ muối ăn, Đảng phải lo. Dân không có gạo đủ ăn no, Đảng phải lo. Dân không đủ vải mặc ấm, Đảng phải lo. Trẻ em không có trường học, Đảng phải lo. Từ việc lớn đến việc nhỏ như tương, cà, mắm muối, Đảng phải lo”. Người thường xuyên khuyên răn, dạy bảo cán bộ, công chức “phải hết sức quan tâm đến đời sống nhân dân… Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh tật thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”; triệt để thực hành lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người chỉ ra phương châm hành động cho cả bộ máy hệ thống chính trị từ Trung ương đến tận làng xã: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Đảng, Chính phủ đã triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt nhiều chủ trương, chính sách, chương trình để bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội; xóa đói, giảm nghèo; đền ơn đáp nghĩa; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng xã hội học tập suốt đời… từng bước cải thiện, nâng cao được đời sống cho dân. Nhưng thu nhập và mức sống của nhân dân ta còn thấp so với thế giới; khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng. Một bộ phận nhân dân đời sống còn thiếu thốn, nghèo khổ. Những người yếu thế trong xã hội vẫn gặp không ít khó khăn. Đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân, nông dân còn nghèo nàn, đơn điệu… 

Làm cho đời sống người dân được ấm no, hạnh phúc không chỉ là nhiệm vụ chính trị trung tâm, mà còn là thước đo, tiêu chí cơ bản đánh giá tinh thần trách nhiệm của Đảng, Nhà nước các cấp. Đã đến lúc, ở đâu, lúc nào còn người dân đói nghèo về vật chất, thiếu thốn về văn hóa, y tế, giáo dục thì ở đó, lúc đó cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu chưa hoàn thành bổn phận trước dân. Toàn Đảng, toàn dân phải ra sức phấn đấu: Tăng tốc kinh tế, ổn định và phát triển xã hội, đưa thu nhập người dân đạt mức trung bình khá của thế giới vào năm 2045, để thỏa lòng mong ước của Người. 

NGUYỄN QUANG PHI

;
.