Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về đạo đức cách mạng giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Đó là một trong những cơ sở để Đảng ta đề ra nội dung giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng trong tình hình mới.
Cán bộ Bộ phận “một cửa” UBND xã Long Mỹ trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG |
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là sức mạnh tạo ra nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc, nhưng không có nghĩa là tuyệt đối hóa mặt đức mà coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng “có tài mà không có đức là người vô dụng, nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức và tài phải kết hợp với nhau, đạo đức cách mạng là “đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là một bộ phận của thế giới quan chi phối toàn bộ nhận thức và hành động của con người. Đạo đức cách mạng đòi hỏi sự thống nhất giữa động cơ và hiệu quả. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đòi hỏi cao độ sự đạo đức trong toàn bộ đời sống và hoạt động của con người: đạo đức với chính trị, pháp luật, tài năng và đạo đức với đời thường. Để cụ thể hóa với cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: chuẩn mực chung nhất của nền đạo đức cách mạng Việt Nam gồm những điểm chủ yếu:
Một là “Trung với nước, hiếu với dân” - Đây là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất, chi phối các phẩm chất khác. Lời dạy này của Người vừa là lời kêu gọi hành động, vừa là định hướng chính trị - đạo đức cho mỗi cán bộ, Đảng viên không phải chỉ trong cuộc đấu tranh cách mạng trước mắt, mà còn cả lâu dài về sau.
Hai là “yêu thương con người”. Bác xác định tình yêu thương “con người” là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Người dành tình yêu thương rộng lớn cho những người cùng khổ, những người lao động bị áp bức, bóc lột. Người viết: “Tôi chỉ có một sự ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Tình yêu thương của Người còn thể hiện đối với những người có sai lầm, khuyết điểm. Người nói: chúng ta “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất đi”.
Ba là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Theo Người: “Cần” là lao động cần cù, siêng năng. “Kiệm” là tiết kiệm sức lao động, thì giờ; tiết kiệm tiền của của dân, của nước, của bản thân mình.“Liêm” tức là “luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”. “Không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”. “Không tham địa vị. Không tham tiền tài”. “Không ham người tâng bốc mình”…“Chính” nghĩa là “không tà, thẳng thắn, đứng đắn”. “Đối với mình không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ”... “Chí công vô tư” là làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước. Phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
Bốn là “tinh thần quốc tế trong sáng”. Đó là tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, “Bốn phương vô sản đều là anh em”. Đó là tinh thần đoàn kết mà Bác Hồ đã dày công vun đắp bằng hoạt động cách mạng thực tiễn suốt cuộc đời.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác xây dựng Đảng của chúng ta. Vận dụng tư tưởng của Người vào thực tiễn hiện nay cần phải: nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận đảng viên. Phải làm cho cán bộ, đảng viên thấy được sự cần thiết phải học tập, làm theo và thực hành đạo đức cách mạng theo Bác Hồ trong mọi lúc, mọi nơi, trở thành nội dung quan trọng trong xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ. Phẩm chất đạo đức cách mạng là giá trị riêng của mỗi người, không thể vay mượn.
Tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là di sản quý giá mà Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và dân tộc Việt Nam ta. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đạo đức đã đạt tới một sự thống nhất chặt chẽ giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường. Người là tinh hoa, khí phách, lương tâm và biểu tượng đạo đức cách mạng của dân tộc Việt Nam.
ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG