Tư tưởng và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh những gì cốt lõi, tinh túy nhất của tư tưởng và đạo đức. Người luôn đề cao phong cách “nói đi đôi với làm”. Có thể nói, theo quan điểm của Bác, phong cách “nói đi đôi với làm” là nguyên tắc đầu tiên trong 3 nguyên tắc đạo đức cách mạng: nói là phải làm, “xây” đi cùng với “chống” và tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Công chức Bộ phận “một cửa” của UBND phường 11 (TP. Vũng Tàu) trả hồ sơ hành chính cho người dân. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG |
“Nói thì phải làm” là thể hiện sự thống nhất giữa lí luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm. Nói đi đôi với làm là sự thống nhất và nhất quán. Bác còn dạy: nên nói ít làm nhiều; chú tâm, tận tình và hiệu quả trong công việc thì công việc sẽ đánh giá chúng ta. Tránh trường hợp “nói một đằng làm một nẻo”. Đối với mỗi người, để thực hiện được việc thống nhất giữa lời nói với việc làm, phải có nhận thức đúng và quyết tâm vượt qua chính mình. Có nhận thức đúng nhưng không vượt qua được sự cám dỗ của lợi ích cá nhân sẽ dẫn đến nói không đi đôi với làm. Theo Người, về bản chất, “nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động, mà còn là biểu hiện sinh động, cụ thể của việc quán triệt hành vi đạo đức của mỗi người.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “nói đi đôi với làm” được thể hiện ở 3 điểm: Một là, nói phải đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không được xuyên tạc nói sai.
Hai là, không được “nói một đằng làm một nẻo”. Nói được, làm được sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Để chống việc “nói một đằng làm một nẻo”, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và phải phân công cụ thể cho từng tập thể và cá nhân. Cần phải đi sâu, đi sát, kiểm tra đôn đốc kết quả, không thể làm theo kiểu quan liêu giao việc xong, phó mặc cho người thực hiện.
Ba là, không được hứa mà không làm. Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể, phải nghĩ cho kĩ trước khi hứa, khi đã hứa rồi phải cố gắng làm bằng được cho dân thì dân mới tin tưởng. Khi đã hứa mà không làm được, phải có hành động sửa lỗi để làm tăng niềm tin của dân đối với Đảng. Bác nhấn mạnh: với trình độ giác ngộ và dân trí ngày càng cao, không phải cứ nghe cán bộ nói là quần chúng sẽ làm theo mà họ xem việc cán bộ làm. Có những việc cần phải giao cho nhân dân kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện. “Với cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo thì lời nói đi đôi với làm lại càng quan trọng và cần thiết vì cán bộ là gốc của mọi công việc, là những tấm gương để quần chúng noi theo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Đối với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống trọng đạo đức, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao độ của đạo đức cách mạng với đạo đức đời thường, do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, do đó cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi phải nói đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Vì vậy, “muốn làm được những điều đó, ta phải quyết tâm, trí tâm và đồng tâm, nêu ba chữ ấy lên tất là các đồng chí phải thành”.
Hiện nay, Đảng ta rất quan tâm tới vấn đề con người. Chính vì vậy, “nói đi đôi với làm” phải dùng người tài giỏi. Nhưng trên thực tế, nếu không liêm chính, không trong sáng thì dùng toàn người trong họ hàng, bà con, mà theo Bác gọi là “ưa dùng những người cánh hẩu với nhau”, như thế càng không phải “nói đi đôi với làm”, mà là đã tự làm yếu bộ máy tổ chức của chúng ta, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bên cạnh đó, ngày nay, khi mà hiện tượng thương mại hóa tình người và các quan hệ xã hội có chiều hướng gia tăng, ta cần phải hết sức cảnh giác với căn bệnh “nói không đi đôi với làm”. Nơi công sở cũng có một số người sống với hai nhân cách, họ thường nói rất hay và nhân ái, đạo đức, liêm chính, lương tâm… nhưng trong thực tế hành động lại làm ngược lại. Căn bệnh “nói nhiều làm ít, nói hay làm dở” của một số cán bộ có chức có quyền, như Bác Hồ phê phán, đã góp phần làm giảm lòng tin của dân, làm tích tụ trong họ những bất mãn, hoài nghi không đáng có.
Để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ về “nói đi đôi với làm”, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và chống chủ nghĩa cá nhân; nhân rộng điển hình, gương người tốt, việc tốt đi đôi với đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện xuống cấp đạo đức trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Bác Hồ tuy đã đi xa, nhưng những lời dạy, tấm gương đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách “nói đi đôi với làm” vẫn còn nguyên vẹn giá trị với xã hội ngày nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là tấm gương sáng chói cho mọi thế hệ người Việt Nam noi theo.
ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG