Tháng 12 năm 1958, trước tình hình nhiệm vụ mới Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. 60 năm trôi qua, những tư tưởng lớn về đạo đức mới - đạo đức cách mạng vẫn nguyên vẹn giá trị và sẽ sống mãi với thời gian.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đã dấn thân theo con đường cách mạng thì người cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Theo Người, đạo đức cách mạng, “nói vắn tắt” là: “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng”, “tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”, biết “đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”, là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đạo đức cách mạng còn là “Hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”. Phẩm chất đạo đức cách mạng luôn được đặt ở vị trí trung tâm, then chốt, có tầm quan trọng đặc biệt chi phối mọi suy nghĩ, hành động của cán bộ, đảng viên. Người cho rằng: Khi mang trong mình phẩm chất đạo đức cách mạng thì dù gặp khó khăn, gian khổ đến mấy cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, vẫn “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Có đạo đức cách mạng thì khi Đảng cần mới sẵn sàng hy sinh tất cả lợi ích riêng cũng không tiếc và có đạo đức cách mạng thì mới lo hoàn thành tốt nhiệm vụ, không kèn cựa hưởng thụ, công thần, quan liêu, kiêu ngạo, hủ hóa.
Người nói: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ”. Do vậy, yêu cầu có tính bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên là “Phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên phạm sai lầm “thì sẽ đưa quần chúng đến sai lầm” và dù tài giỏi đến mấy mà không có đạo đức cách mạng thì cũng không thể lãnh đạo được nhân dân!
Để có đạo đức cách mạng, Người đã chỉ ra phương pháp mang tính nguyên tắc: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đạo đức cách mạng không tự sinh ra, mà chỉ hình thành thông qua công tác giáo dục thường xuyên của tổ chức, gia đình, xã hội; Qua công tác quản lý chặt chẽ của các chi bộ, đảng bộ và sự giám sát, giúp sức của quần chúng nhân dân. Đó là quá trình gầy dựng rất gian khổ, đúng như Người đúc kết: “Tư tưởng cộng sản giống như cây lúa, chăm sóc rất khó nhọc lúa mới tốt được. Tư tưởng cá nhân như cỏ dại, không cần chăm sóc cũng mọc lu bù”. Nhưng suy cho cùng, để có đạo đức cách mạng, vai trò quyết định vẫn là yếu tố tự tu dưỡng, rèn luyện của bản thân từng cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu: “Cách mạng tiến lên mãi. Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi”. Nhưng quá trình “tiến lên mãi” đó, sẽ gặp muôn vàn thách thức chông gai, đầy cam go với các loại giặc cản đường, chống phá, cám dỗ… Muốn vượt qua, người cách mạng phải có thứ vũ khí sắc bén nhất đó là đạo đức cách mạng để chiến thắng bản thân mình, để vượt qua những “viên đạn bọc đường”: Vật chất, địa vị, danh lợi… Cán bộ, đảng viên trong cuộc sống và công tác luôn phải đối chọi với “Thói quen và truyền thống lạc hậu… nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ… Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi chúng ta”. Để gội rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, chống lại chủ nghĩa cá nhân trong mỗi cán bộ, đảng viên, Người dặn: Không còn con đường nào khác, phải rèn luyện đạo đức cách mạng, ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, bởi “Có học tập chủ nghĩa Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết về trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó”. Nếu không thực hiện điều đó thì người cách mạng chắc chắn sẽ thoái bộ, lạc hậu mà thoái bộ, lạc hậu thì đương nhiên sẽ “bị xã hội tiến bộ sa thải”.
Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng - đó là lời nhắn gửi, là thông điệp và là mong ước của Người về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ưu tú, tài đức vẹn toàn và một Đảng Mác xít - Lênin nít chân chính, trong sạch, vững mạnh. Đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, những nội dung, chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp xây dựng đạo đức cách mạng mà Người chỉ ra vẫn tiếp tục dẫn dắt, nâng bước chúng ta tiến lên phía trước. Đạo đức cách mạng là gốc, cho nên trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt trong tình hình hiện nay, theo di huấn của Người, Đảng phải thật sự quyết liệt để loại trừ chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; Mỗi chúng ta phải thấm nhuần và tiên phong thực hiện đúng lời Người dạy: “Tất cả đảng viên, đoàn viên, tất cả cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng cần phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đó là phẩm chất cao quý của người cách mạng, đó là đạo đức cách mạng”.
NGUYỄN QUANG PHI