Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm phát hiện thói ba hoa trong cán bộ, đảng viên và Người đã nghiêm khắc phê phán, đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn, loại trừ. Hơn 70 năm trôi qua, vậy mà cảm tưởng như Người đang nhắc nhở chúng ta kiên quyết đấu tranh với căn bệnh này trong ngày hôm nay.
Làm những việc người dân cần, nói những việc để người dân nghe, người dân hiểu, đó là phong cách người cán bộ, công chức cần học hỏi để loại bỏ thói ba hoa. Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên dạy kèm cho HS yếu, kém tại Trung tâm Văn hóa – học tập cộng đồng xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền). Ảnh: MINH NHÂN |
Thói ba hoa “tỏ ra nhiều vẻ” và “nhiều chứng”, nhưng bằng tư duy khái quát cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cụ thể giúp chúng ta nhận diện chính xác, đầy đủ thói ba hoa trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Trước hết, thói ba hoa là “thói rỗng tuếch”, nghĩa là nói dài, viết dài hoặc nói ngắn, viết ngắn nhưng không có nội dung: Viết từ trang này sang trang khác, từ “dây cà ra dây muống”, nói từ giờ này sang giờ khác nhưng “Không có ích cho người xem, người nghe”. Đây là dạng ba hoa: Quyết không muốn cho quần chúng xem, quyết không cho quần chúng nghe! Nhưng nếu có người nghe, người xem thì họ nhất định “cũng mắc phải thói xấu như người nói, người viết“. Người chỉ thị: “Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài… Phải chữa cho được bệnh nói dài, viết rỗng”. Thứ hai, ba hoa mà Người gọi “Thói cầu kỳ”, nghĩa là: Trong công tác tuyên truyền “trên báo, sách, tường, thường có những bức vẽ, những khẩu hiệu, nhiều người xem không ra, đọc không được”. Quần chúng nhân dân nghĩ về cán bộ “họ viết, họ vẽ, để họ xem thôi”, nhưng cán bộ lại cứ tưởng ”Mình viết gì, nói gì, người khác cũng đều hiểu được cả”, rồi “Không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy”. Dạng ba hoa này cũng “cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem… cuối cùng nhất định thất bại”.Thứ ba, ba hoa ở dạng “Khô khan, lúng túng”, nghĩa là “Nói không ai hiểu”, càng nói người nghe càng không hiểu, càng viết “đại chúng càng không xem được”. Chứng ba hoa này, biểu hiện khi nói, khi viết sa vào “bệnh hay nói chữ”: “Tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán. Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người không biết rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to”. Nguy hại hơn vì chủ quan nên trước khi nói không chuẩn bị, khi nói cứ “nói đi nói lại” một số danh từ đã thuộc lòng, “lắp lại những cái người trước đã nói, hoặc lắp đi lắp lại cái mình đã nói rồi. Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn. Nói nữa thì chán tai… Chỉ làm cho quần chúng chán và ngủ gật”. Thứ tư, thói ba hoa trong báo cáo: “Báo cáo lông bông… giả dối… chậm trễ”. Nguy hại ở chỗ: Thành công ít, nhưng suýt ra nhiều, khuyết điểm thì dấu đi; Báo cáo không rõ vấn đề, không đề nghị cách giải quyết. Không nói rõ tán thành hoặc phản đối… Thói ba hoa đó đã làm nhiễu thông tin trong lãnh đạo, quản lý “cấp trên không hiểu rõ tình hình để đặt chính sách cho đúng”, “Khi cấp trên nhận được báo cáo, thì việc đã trễ rồi, không đối phó kịp”. Thứ năm, ba hoa không chỉ thể hiện trong nói, viết mà ngay cả “huấn luyện, khai hội cũng mắc chứng đó”, Người gọi là “Bệnh theo sáo cũ”. Trong huấn luyện thói ba hoa là dạy học theo kiểu “nhồi sọ”, kết quả học rồi không làm được, như thế học mấy cũng vô ích! Trong khai hội thói ba hoa là: Chuẩn bị không chu đáo, tổ chức không đúng giờ, hội nào cũng “khư khư giữ theo nếp cũ” và “ông đại biểu, bà đại biểu” đến dự: “Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng nói. Nhưng chỉ chừa một điều là những việc thiết thực cho địa phương đó, những việc mà dân chúng ở đó cần biết, cần hiểu, cần làm, thì không nói đến!”.
Người dặn: Phải chống bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, đồng thời cũng phải chống thói ba hoa. Vì thói này cũng hại như hai bệnh kia. Để loại trừ tận gốc thói ba hoa, “liều thuốc mạnh” Người đưa ra hết sức thiết thực, bổ ích. Tất cả cán bộ, đảng viên là tuyên truyền viên của Đảng đều phải khiêm tốn học cách nói của quần chúng mới “nói lọt tai quần chúng”. Để quần chúng háo hức lắng nghe và thấu hiểu thì cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần trong từng bài nói, bài viết của mình “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ao ước của quần chúng”. Khi nói và viết phải “dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu”, tránh bằng được “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, vì bệnh đó “đã lây lan ra, đã làm hại đến quần chúng”. Trước khi nói, khi viết tìm hiểu thật kỹ đối tượng để có cách nói, cách viết phù hợp: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”! Trước khi nói nhất thiết phải “nghĩ cho chín”. Nói phải chuẩn bị chu đáo, cẩn thận; chuẩn bị xong phải đọc lại, hỏi ý kiến những người xung quanh, chỉnh sửa nhiều lần để “bỏ đi những câu, những chữ thừa, vô ích… Rửa mặt phải kỳ xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy”.
Thói ba hoa và cách phòng chống thói ba hoa trong tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là cẩm nang để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức soi mình, soi đồng chí mình nhằm nhận diện, đấu tranh, sửa chữa, khắc phục nhằm loại trừ trận gốc căn bệnh này. Trong cuộc sống cũng như trong công việc đòi hỏi mọi người luôn chú trọng xây dựng phong cách diễn đạt (nói và viết); Đề cao trách nhiệm trung thực; Rèn luyện phẩm chất năng động, sáng tạo, tránh làm theo “lối mòn” và thường xuyên: “Học ăn, học nói, học gói, học mở. Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được”.
NGUYỄN QUANG PHI