.

Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo: Hành động quyết liệt để giảm rác thải nhựa

Cập nhật: 18:17, 17/01/2025 (GMT+7)

Hàng loạt hoạt động truyền thông giảm nhựa được Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo thực hiện hiệu quả trong năm 2024 góp phần đặt nền móng phát triển bền vững ngành du lịch.

Trưng bày sản phẩm tái chế tại Tái Sinh Zoze.
Trưng bày sản phẩm tái chế tại Tái Sinh Zoze.

Đa dạng hình thức tuyên truyền giảm nhựa

Bà Võ Thị Vân, Giám đốc Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch mà còn cản trở mục tiêu phát triển bền vững Côn Đảo. Với chức năng nhiệm vụ tham mưu UBND huyện quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo nhận thấy cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để tác động vào ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi cung ứng du lịch, cộng đồng cư dân và khách du lịch trong việc xây dựng Côn Đảo thành điểm đến xanh.

Trên cơ sở mô hình “Cán bộ, viên chức, người lao động tham gia dọn vệ sinh môi trường” đã thực hiện trước đó, năm 2024, Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo đăng ký thêm mô hình mới “Truyền thông du lịch giảm nhựa: vận động khách du lịch tham gia du lịch giảm nhựa, du lịch xanh” nhằm hiện thực hóa Đề án kinh tế tuần hoàn.

Hàng loạt hoạt động truyền thông giảm nhựa được tổ chức với đa dạng hình thức trong năm 2024 như: cuộc thi trực tuyến Thử thách dấu tay xanh khuyến khích khách du lịch thực hành giảm nhựa sử dụng một lần; không dâng cúng, đốt hàng mã khi đến viếng tại các điểm, khu di tích lịch sử, điểm tham quan; thi thiết kế sản phẩm tái chế; lắp đặt thiết bị theo dõi chất lượng không khí tại một số điểm di tích; thiết kế tờ rơi quảng bá du lịch foodtour lồng ghép thông điệp 4T (từ chối-tiết giảm-tái sử dụng-tái chế); thí điểm bộ hướng dẫn thực hành giảm nhựa tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; vẽ tranh tường tuyên truyền du lịch giảm nhựa tại Cảng tàu khách Côn Đảo, taluy Bến Đầm và Cỏ Ống, truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, di tích, bến tàu, cơ sở kinh doanh lưu trú để định hướng về du lịch giảm nhựa, tổ chức tour “Vì Côn Đảo xanh” đi bộ nhặt rác, mời KOLs nổi tiếng quay phim ngắn quảng bá du lịch giảm nhựa…

Chuyển biến lớn

Huyện Côn Đảo có 145 cơ sở lưu trú, 47 cơ sở kinh doanh ăn uống, 9 DN lữ hành, 2 hãng tàu cao tốc hoạt động, 5 đơn vị vận chuyển xe điện và taxi, 5 cơ sở kinh doanh dịch vụ cano và 1 đơn vị vận chuyển đường hàng không. Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo đã tập trung vận động, hướng dẫn các DN, cơ sở kinh doanh trên ký cam kết giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và phân loại rác trong hoạt động kinh doanh.

Trong năm 2024, Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tập huấn thực hành làm chất tẩy rửa, phân bón từ rác thải hữu cơ cho các cơ sở kinh doanh du lịch-dịch vụ trên địa bàn. Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể sổ tay những việc làm giúp giảm nhựa sử dụng một lần và triển khai bộ hướng dẫn giảm nhựa đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Đến nay, có 80 cơ sở lưu trú đã áp dụng các biện pháp hạn chế rác thải nhựa, thay thế hoàn toàn vật dụng bằng nhựa, có ni lông, nhựa sử dụng một lần. 100% nhà hàng trong cơ sở lưu trú nghiêm túc thực hiện không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, không dùng khăn giấy ướt. Các DN kinh doanh lữ hành đẩy mạnh bán tour Vì Côn Đảo xanh với hoạt động nhặt rác, trồng cây, tuyên truyền chủ trương nói không với nhựa dùng một lần bằng những hành động thực tế như tặng túi vải, chuẩn bị bình nước cá nhân cho khách mượn…

Ông Đan Vi Phương, chủ nhân của Tái Sinh Zone, nơi thí điểm tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng và khách du lịch tại khu vực Bến Đầm, cũng là thành viên tích cực trong các tour Vì Côn Đảo xanh cho rằng: Các giải pháp giảm nhựa Côn Đảo đã và đang làm rất thiết thực, ý nghĩa tạo chuyển dịch về niềm tin, nhận thức của các bên dựa trên nguồn lực và điều kiện sẵn có tại đảo, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. 

Theo bà Võ Thị Vân, ngày càng nhiều mô hình du lịch xanh được cộng đồng địa phương và du khách tham gia, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này là một quá trình đa chiều và diễn ra liên tục, đòi hỏi DN phải quyết tâm có kế hoạch về nguồn lực con người, tài chính, lộ trình thời gian… cùng với hỗ trợ từ các tổ chức, chính quyền địa phương.

Do đó, Ban Quản lý KDL sẽ tiếp tục triển khai đa dạng hình thức truyền thông giảm nhựa, đặt mục tiêu 100% du khách đến Côn Đảo đều nắm rõ chủ trương, quan điểm và các hoạt động của địa phương trong việc giảm thiểu túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Từ đó, khuyến khích du khách tăng cường các hành vi thân thiện với môi trường trong suốt thời gian nghỉ dưỡng tại Côn Đảo.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

 
.
.
.