.

Nét đẹp cây di sản Côn Đảo

Cập nhật: 17:01, 04/10/2024 (GMT+7)

Hội đồng Cây di sản Việt Nam vừa công nhận 24 cây di sản cho Côn Đảo, nâng tổng số cây di sản trên toàn đảo lên 103 cây. Với bộ sưu tập cây di sản đồ sộ và đa dạng, du khách đến Côn Đảo nên trải nghiệm hành trình tìm hiểu và khám phá cây di sản để thêm yêu hòn đảo anh hùng này.

Cây sao đen tại Bãi Dài vừa được công nhận cây di sản trong tháng 9 với tuổi đời 237 năm, chu vi 7,9m.
Cây sao đen tại Bãi Dài vừa được công nhận cây di sản trong tháng 9 với tuổi đời 237 năm, chu vi 7,9m.

Trong số 103 cây di sản đang sinh trưởng tốt ở Côn Đảo, cây bàng chiếm số lượng lớn nhất với 45 cây. Bàng được xem là chứng nhân lịch sử, gắn liền với ký ức của các cựu tù chính trị Côn Đảo năm xưa. Bàng Côn Đảo là giống cây rừng, lá và quả to hơn bàng ở các nơi khác. Các cựu tù chính trị từng hái lá và quả bàng để ăn thay rau xanh, chữa đau nhức vết thương, đốt lá làm mực, và viết thư truyền tin.

Tại trung tâm Côn Đảo, bàng được trồng khắp nơi, dọc hai bên đường và trong nhà tù. Hai tuyến đường có nhiều cây bàng cổ thụ được công nhận là Cây di sản nhất là Tôn Đức Thắng (19 cây) và Lê Duẩn (10 cây). Đây cũng là tuyến đường trung tâm dẫn đến hệ thống di tích nhà tù, nhà chúa đảo, Cầu tàu 914, và Bảo tàng Côn Đảo. Phần lớn các cây bàng cổ thụ có tuổi đời hơn 150 năm (tính từ khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù vào năm 1862).

 Quần thể bàng trong Trại Phú Hải.
Quần thể bàng trong Trại Phú Hải.

Ngoài cây bàng, Côn Đảo còn có nhiều cây cổ thụ khác được công nhận là cây di sản, gây ấn tượng với du khách như: nhội, cóc đỏ, thị rừng, phong ba, bằng lăng, nhãn, điệp bèo, me tây, lim vàng. Một số cây tập trung thành quần thể như bằng lăng trên đường Lê Văn Việt và tại di tích nhà chúa đảo; cây thị rừng trong khu di tích Miếu bà Phi Yến; cây phong ba tại Hòn Cau.

Không chỉ sở hữu dáng vẻ to lớn, sum suê, với lớp da xù xì nhuốm màu thời gian trên gốc, thân, cành và nhánh, cây di sản Côn Đảo còn nổi bật với những bướu lớn nổi lên trên thân gần gốc, tạo nên hình dáng độc đáo và bắt mắt. Đặc biệt, điều kiện khắc nghiệt của nắng và gió hải đảo đã tạo nên những dáng thế đặc biệt cho cây di sản nơi đây. Cây di sản Côn Đảo, kết hợp với nét rêu phong của bờ tường, nhà tù và bức vách, trở thành đề tài sáng tác hấp dẫn cho giới nhiếp ảnh và du khách.

Cây cóc đỏ tại Hòn Bà.
Cây cóc đỏ tại Hòn Bà.

Với những cây di sản trong rừng như nhội và cóc đỏ, Vườn Quốc gia Côn Đảo và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn đã khai thác thành tour “Hành trình về cây di sản” kết hợp trekking xuyên rừng, tìm hiểu hệ sinh thái đa dạng và phong phú của rừng Côn Đảo.

Nếu có dịp đến Côn Đảo, du khách hãy dành thời gian để ngắm nhìn và đi giữa những cây di sản, hiểu thêm về lịch sử vùng đất và cuộc đấu tranh cách mạng bất khuất của Côn Đảo. Điều này sẽ giúp bạn thêm yêu quý và trân trọng một Côn Đảo đang đổi mới, tươi đẹp và trở thành điểm du lịch hấp dẫn như hôm nay.

ĐĂNG KHOA- VĂN PHÁI

(Thực hiện)

.
.
.