.

Độc đáo chợ nổi Cái Răng

Cập nhật: 15:18, 25/10/2024 (GMT+7)

Trong hành trình về miền đất phù sa, chúng tôi đến với chợ nổi Cái Răng, một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, để được ngắm nhìn bức tranh văn hóa muôn màu muôn vẻ của miền Tây sông nước.

Cô nhân viên hỗ trợ Đặng Thị Tuyết hướng dẫn chúng tôi cách cắt sợi hủ tiếu dai.
Cô nhân viên hỗ trợ Đặng Thị Tuyết hướng dẫn chúng tôi cách cắt sợi hủ tiếu dai.

Rẽ sóng đến chợ nổi

Chợ nổi Cái Răng nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu chảy qua quận Cái Răng, TP.Cần Thơ. Chợ cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 6km. Từ bến Ninh Kiều, đi đường bộ mất khoảng 15 phút, và mất 30 phút nếu đi bằng tàu sẽ tới chợ.

Hơn 5h sáng, đoàn chúng tôi có mặt tại bến Ninh Kiều để lên tàu tới chợ nổi. Con tàu của Công ty TNHH MTV Du lịch Nguyễn Vũ ghé mũi vào sát bờ đón khách. Đặng Thị Tuyết, cô nhân viên có vóc người nhỏ nhắn, duyên dáng trong chiếc áo bà ba màu tím hoa cà nhanh nhẹn hỗ trợ khách lên tàu. Con tàu rẽ sóng, rẽ cả làn sương sớm còn bảng lảng trên mặt sông. Những cơn gió sớm mai mang theo hơi thở của miền Tây sông nước phả lên da thịt chúng tôi mát rượi. Bên tai là tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn tàu như tiếng reo vui đón chào những người khách phương xa.

Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer là “karan” nghĩa là “cà ràng” (cái bếp lò nặn bằng đất, ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn) làm karan đi bán khắp nơi. Đặc biệt, họ bán nhiều tại khu vực sông nước Cần Thơ. Do phát âm “trại” chữ, lâu dần, người Việt đã phát âm chữ “karan” thành chữ “cà ràng” rồi “Cái Răng”. Cái Răng trở thành địa danh cho đến bây giờ.

Chị Tuyết giới thiệu với chúng tôi về “chú cá” khổng lồ mang tên Interceptor 003 chuyên làm nhiệm vụ thu gom rác trên sông Cần Thơ. Đây là một trong 15 con sông trên thế giới được chọn để thực hiện dự án ngăn rác thải nhựa đổ ra biển trong hợp tác giữa tổ chức The Ocean Cleanup và Công ty Coca-Cola. Interceptor 003 vận hành từ tháng 12/2021, là thuyền thu gom rác tự động “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam và là một trong 3 chiếc có mặt tại khu vực Đông Nam Á.

Ngồi trên tàu, chúng tôi còn được thỏa sức ngắm nhìn “viên ngọc quý” bên bến Ninh Kiều. Đó là Sheraton Cần Thơ - khách sạn cao nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có tới 30 tầng nổi nằm bên bờ sông, đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế đầu tiên của xứ Tây đô. Từ khách sạn có thể thu vào tầm mắt trọn vẹn vẻ đẹp của thành phố nhộn nhịp và dòng sông Cần Thơ êm đềm.

Không chỉ vậy, chúng tôi còn được ngắm nhìn và chụp hình lưu niệm dưới những cây cầu mang đặc trưng của miền “gạo trắng nước trong” như cầu Quang Trung, cầu Hưng Lợi, Trần Hoàng Na, Cái Răng, được tận mắt nhìn những cây xăng “độc lạ” kiêm tiệm tạp hóa trên sông…

Theo quy ước
Theo quy ước "4 treo" tại chợ nổi Cái Răng thì đây là ghe "treo gì bán nấy".

Bức tranh văn hóa muôn màu

Qua 4 cây cầu bắc ngang sông Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng hiện ra trước mắt chúng tôi với những chiếc ghe, chiếc thuyền bán hàng rực rỡ sắc màu nhiệt đới. Hàng trăm chiếc ghe, thuyền rộn ràng kéo về từ khắp các ngả sông mang theo đủ loại trái cây, rau củ đặc sản, đồ ăn sáng, đồ uống… tạo nên không khí náo nhiệt và tấp nập.

Điều đặc biệt ở đây là chợ không có tiếng rao, không có bảng hiệu, chỉ có tiếng máy của ghe thuyền, tiếng sóng nước hòa vào tiếng người nói lao xao. Người mua, kẻ bán dựa vào tín hiệu “4 treo” để nhận biết ghe xuồng gần đó đang buôn bán mặt hàng gì.

Treo gì bán nấy: Chủ ghe bán gì thì sẽ treo thứ đó lên cây bẹo (cây sào dài 3-5m) để khách có thể nhận biết được mặt hàng. Treo mà không bán: Ở miền Tây, ghe không chỉ là phương tiện di chuyển, buôn bán mà còn là nơi sinh sống. Quần áo của các hộ gia đình sinh sống ngay trên ghe thuyền chính là thứ treo mà không bán. Không treo mà bán: Những chiếc ghe phục vụ ẩm thực trên sông cho mọi người như bún, hủ tiếu, cà phê, bánh mì…, dù không cần treo nhưng ai cũng biết trên ghe bán gì. Treo cái này nhưng bán cái khác: Đây có lẽ là trường hợp hiếm gặp nhất trong “4 treo”. Chủ ghe khi muốn rao bán chiếc ghe của mình sẽ treo tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa lên cây bẹo để thông báo.

Trên chợ nổi, thỉnh thoảng lại có chiếc ghe chở nông sản, thực phẩm cập sát thành tàu mời khách mua hàng. Cô hướng dẫn viên dí dỏm nói với chúng tôi: “Bên cạnh các loại nông sản thì đặc sản của chợ nổi là món hủ tiếu lắc và bún lắc. Bởi người bán, người mua đều ngồi trên ghe thuyền tròng trành giữa sông nước, sóng đánh lắc qua lắc lại. Khách muốn trải nghiệm cảm giác mạnh thì bê tô hủ tiếu ngồi ăn ngay trên tàu của mình, còn muốn trải nghiệm cảm giác nhẹ thì lên bè, có bàn, có ghế để ngồi ăn”.

Sợi hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng trong, mịn và dai, được làm từ loại gạo miền Tây thơm ngon. Nước lèo cũng trong vắt, ngọt thơm. Ăn kèm tô hủ tiếu là thịt heo luộc, bò viên thái mỏng, vài cọng giá và húng quế xanh mướt. Hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng từng được đầu bếp nổi tiếng đến từ Hàn Quốc - Jun Ho Kyun khen ngợi trên đài truyền hình EBS. Món ăn này cũng từng gây ấn tượng cho đầu bếp lừng danh thế giới Gordon Ramsay vào năm 2012.

Chợ nổi Cái Răng được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016 và được Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, với các thuyền bán hàng “rực rỡ sắc màu nhiệt đới”.

Trong hành trình trải nghiệm chợ nổi, chúng tôi còn được tham quan bè đặc sản, với gần 20 loại khô nước mặn và nước ngọt. Trong đó có đặc sản khô nhái mang cái tên mĩ miều “vũ nữ chân dài”. Cùng với đó, chúng tôi còn được thăm bè kẹo dừa không đường làm từ mạch nha và nước cốt dừa, trải nghiệm tráng bánh sợi hủ tiếu dai… trên bè.

Sau khoảng 1 tiếng tham quan chợ nổi, chúng tôi ra về khi ánh mặt trời bắt đầu ló rạng. Mặt nước như được dát một lớp lân tinh lóng lánh. Giữa muôn trùng tiếng ghe xuồng nổ máy, tiếng sóng vỗ mạn tàu, những cơn gió mát rượi phả vào da tóc… giai điệu bài hát “Chợ nổi miền Tây” vang lên mang đến cảm giác bình yên với niềm vấn vương khó tả:

“Người quê vẫn luôn mong chờ khách muôn nơi ngược xuôi lui tới

Ai ơi ghé thăm Ninh Kiều Cần Thơ hữu tình sông nước mênh mông

Gọi nhau bán mua nhộn nhịp tiếng vang vang hòa trong nắng sớm

Lung linh nắng đã lên rồi, chợ nổi cũng tan dần…”.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.