Côn Đảo giảm nhựa bắt đầu từ ngành dịch vụ
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) vừa chủ trì phối hợp với Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo tập huấn sổ tay hướng dẫn thực hành giảm nhựa sử dụng một lần và cách làm chất tẩy rửa, phân bón từ rác thải hữu cơ cho các cơ sở kinh doanh du lịch - dịch vụ trên địa bàn huyện Côn Đảo. Đây là một hoạt động trọng tâm trong chiến dịch truyền thông giảm nhựa của Côn Đảo.
Phóng viên Vũng Tàu Chủ nhật đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý dự án - Hợp phần thủy sản và khu bảo tồn biển Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ TN-MT phối hợp triển khai cùng WWF - Việt Nam).
● Phóng viên: Thưa bà, việc triển khai bộ hướng dẫn giảm nhựa cần thiết như thế nào đối với Côn Đảo?
- Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh: Theo khảo sát của WWF-Việt Nam trong năm 2020, rác thải nhựa từ ngành du lịch và dịch vụ ở Côn Đảo chiếm hơn 40% tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh. Trong đó đáng lưu ý nhất rách thải từ nhựa dùng một lần phát sinh từ hoạt động du lịch do đặc tính rẻ, tiện dụng, đặc biệt là túi ni-lông phải mất hàng trăm năm để phân hủy.
Trong điều kiện xử lý rác trên đảo còn rất hạn chế, các giải pháp giảm phát sinh rác từ đầu nguồn sẽ phù hợp hơn. Do vậy, việc vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ từng bước thực hành chuyển đổi để hạn chế và tiến tới nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Một nhóm du khách tình nguyện thu gom rác tại Bãi Cát Lớn thuộc Hòn Bảy Cạnh. |
● Nội dung cốt lõi của bộ hướng dẫn giảm nhựa là gì?
- Bộ hướng dẫn giảm nhựa cung cấp một quy trình dễ hiểu, dễ áp dụng, đi kèm với các công cụ triển khai cụ thể phù hợp với điều kiện tại địa bàn. Các hành động giảm nhựa gồm phân loại rác tại nguồn triệt để. Ví dụ như trong mua sắm phải có kế hoạch ưu tiên loại bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần không cần thiết, thay thế bằng sản phẩm tái sử dụng, chỉ cung cấp khi khách có yêu cầu (bàn chải, kem đánh răng, ống hút tái chế như giấy, tre); thiết kế các ấn phẩm truyền thông, tuyên truyền đến khách hàng nội dung về giảm nhựa tại quầy lễ tân, cửa ra vào, khu vực đông người trong cơ sở dịch vụ; đào tạo nghiệp vụ, quy trình giảm nhựa dùng 1 lần cho nhân viên…
Việc chuyển đổi này là một quá trình đa chiều và diễn ra liên tục, đòi hỏi DN phải quyết tâm có kế hoạch về nguồn lực con người, tài chính, lộ trình thời gian… cùng với hỗ trợ từ các tổ chức, chính quyền địa phương.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, bộ hướng dẫn cũng đưa ra một công cụ để Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo và các cơ quan đầu mối trong việc quản lý, giám sát và đánh giá, triển khai sâu rộng, đồng bộ thực hành giảm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân huỷ trong khu vực kinh tế tư nhân. Qua đó tích cực tham gia vào công tác triển khai thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trong quản lý rác thải nhựa đại dương tại Côn Đảo từ nay tới 2025 tầm nhìn 2030.
● Lộ trình triển khai bộ hướng dẫn ra sao, thưa bà?
- Dự thảo Bộ hướng dẫn được các chuyên gia và tư vấn thuộc Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam hỗ trợ xây dựng và hoàn thành vào tháng 8/2024. Cuối tháng 8, WWF - Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo triển khai giai đoạn thí điểm hướng dẫn bộ tài liệu trên với sự tham gia của 10-15 cơ sở kinh doanh dịch vụ tiêu biểu trên địa bàn.
Những hoạt động WWF đang phối hợp cùng Côn Đảo
Thông qua Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, WWF-Việt Nam đã và đang đồng hành cùng Côn Đảo trong giám sát và thu gom rác thải nhựa đại dương trên rạn san hô và bãi biển công cộng; tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; hỗ trợ công tác tuyên truyền về phân loại rác, tái chế rác hữu cơ cho hộ gia đình; xây dựng và triển khai mô hình “Trường học không rác thải nhựa”; thí điểm mô hình phân loại thu gom và tái chế rác hữu cơ tại khu dân cư số 5; xây dựng dự thảo Quy đinh hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy sinh học tại các điểm tham quan di tích; triển khai chiến dịch truyền thông “Nói không với rác thải nhựa- Lưu lại dấu tay xanh” xuyên suốt năm 2024; tập huấn và vận động các cơ sở kinh doanh thực hành phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa.
|
Thời gian thí điểm trong 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 11/2024) nhằm đánh giá hiệu quả thực tiễn và mức độ khả thi của các giải pháp, đồng thời đúc rút bài học kinh nghiệm để bổ sung và hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn, chuẩn bị cho bước triển khai nhân rộng đến các cơ sở kinh doanh khác trên địa bàn huyện Côn Đảo.
Chúng tôi đặt ra mục tiêu Bộ hướng dẫn chính thức sau khi ban hành sẽ được áp dụng triển khai trên quy mô toàn đảo từ đầu năm 2025. Và tin rằng việc này sẽ tạo ra động lực đổi mới cũng như thúc đẩy thương mại dành cho các giải pháp thay thế bền vững.
ĐĂNG KHOA (Thực hiện)