Món bún mắm gây thương nhớ!
Quán bún mắm cô Năm nằm giữa trong hẻm 43 và 49 đường Lương Văn Can, phường 2, TP. Vũng Tàu. Đây là địa chỉ quen thuộc của nhiều thực khách Vũng Tàu bởi hương vị đậm đà, khó quên.
Chị Năm, chủ quán bún mắm Cô Năm chụp ảnh cùng thực khách. |
Tô bún mắm cô Năm được nấu theo vị miền Tây với cá linh, tôm, mực kết hợp bún, bông súng, bông điên điển… đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người thưởng thức. Hương vị cốt yếu của món ăn này đến từ nước dùng đặc trưng được nấu từ mắm cá.
Theo chị Năm, chủ quán bún mắm cô Năm, phần nước lèo là linh hồn của món bún mắm. Để có nước lèo ngon, trước hết sẽ dùng một chiếc nồi nhỏ, cho các loại mắm như mắm cá sặc, mắm cá linh... vào, rồi thêm nước, đem nấu sôi trên lửa vừa, đến khi thịt rục ra. Dùng rây lọc phần xương của mắm, đổ hết phần nước mắm đã chín rục trong nồi lớn. Đặc biệt, người miền Tây cho thêm vào mắm nước dừa để nấu nước lèo vị đậm đà, ngọt thơm. Nồi nước lèo khi sôi sẽ tiếp tục cho từng phần mực, tôm... vào chần chín rồi vớt ra đĩa. Cà tím của quán được chiên giòn để riêng.
Bún mắm sử dụng sợi bún to, chắc, tạo thành một lớp “nền” cho các loại nguyên liệu. Khi khách gọi món, chị Năm sẽ cho bún ra tô, thêm thịt heo quay, tôm, mực tươi rói... rồi rưới đủ nước lèo đang sôi. Vị ngọt của mắm, hải sản tươi, mùi thơm nồng của mắm cá kết hợp cùng vị béo của thịt heo tạo nên hương vị bún mắm đậm vị.
Tô bún mắm bốc khói thêm hải sản tươi, dậy mùi thơm ăn kèm đĩa rau ghém, vắt thêm chút tắc hoặc chanh tươi cho dậy mùi. Thực khách có thể yêu cầu chủ quán chần chín rau hoặc ăn sống tùy thích. Đặc biệt, món rau đắng được chủ quán chọn lọc kỹ càng loại rau đắng có hương vị riêng, ngon giòn khiến cho tô bún mắn càng thêm hấp dẫn. Các đồ nêm nếm cũng được bày sẵn ở góc bàn cho khách tự gia giảm theo sở thích.
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) đặc biệt rất thích món bún mắm và là khách hàng quen của quán. Chị Thảo chia sẻ món ăn gây thương nhớ đối với thực khách như chị vì mắm thơm đậm đà, hải sản tươi, hợp khẩu vị.
Quán nhỏ và hút khách nên luôn kín bàn. Khách hàng “may mắn” có bàn sẵn sàng chờ đợi hơn 30 phút để thưởng thức món ăn dân dã, dễ “ghiền” này để rồi thêm nhiều lần trở lại.
Bài, ảnh: QUANG LÊ