Ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới
Nhắc đến đất nước hạnh phúc nhất thế giới, chắc hẳn nhiều người nhớ ngay cái tên Phần Lan. 6 năm liền, từ 2018 đến 2023, quốc gia này luôn nằm ở top đầu danh sách 10 quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc xếp hạng.
Phần Lan sở hữu nhiều khu rừng hoang sơ và những hồ nước tuyệt đẹp. |
Niềm tin xã hội ở mức cao
Khi được hỏi điều gì làm người dân Phần Lan cảm thấy hạnh phúc, Frank Martela rút điện thoại ra khoe tấm hình chụp hàng dài những chiếc xe đạp trẻ em có màu sắc sặc sỡ. Martela kể, bức ảnh được anh chụp khi đưa đứa con nhỏ tuổi nhất tới trường và bất chợt nhìn thấy hàng trăm chiếc xe đạp xinh xắn để bên ngoài.
Ở Phần Lan, nhiều trẻ em, có những em nhỏ chỉ 7 tuổi, hàng ngày đều tự đạp xe từ nhà tới trường. Chúng cũng có thể tự đi chơi một mình ở bên ngoài. Người Phần Lan coi điều này là hiển nhiên. Martela, nhà nghiên cứu và cũng là nhà tâm lý học đang công tác tại Đại học Aalto ở Espoo, cách thủ đô Helsinki của Phần Lan 12 dặm, cũng đặc biệt coi trọng sự tự do mà 3 đứa con của anh có được khi sống ở Phần Lan.
Trẻ em an toàn tham gia các hoạt động ngoài trời mà không cần phải có người trông giữ. |
Niềm tin xã hội (social trust) của mọi người ở mức cao là một trong những lý do quan trọng nhất giúp Phần Lan được xếp hạng hạnh nhất thế giới 6 năm liên tiếp. Niềm tin xã hội còn thể hiện ở cảm giác về sự an toàn, yên tâm. Phần Lan có tỷ lệ tội phạm cực thấp. Ở những thành phố đông đúc như thủ đô Helsinki, không có vấn đề đáng ngại lớn nào về an toàn, an ninh. Còn khi đến các vùng nông thôn, hầu như vấn đề tội phạm không tồn tại.
Giáo dục của Phần Lan cũng góp phần xây dựng nên niềm tin xã hội tại quốc gia này. Người Phần Lan yêu giáo dục và nghề dạy học ở đất nước này được đánh giá cao. Việc tuyển chọn giáo viên phải trải qua các tiêu chuẩn rất cao và giáo viên được trả mức lương hậu hĩnh.
Xe điện là phương tiện giao thông công cộng tại Phần Lan. |
Hệ thống giáo dục xuất sắc, các em bé từ 8 tháng tuổi đến trước khi vào lớp 1 đều nhận được chế độ chăm sóc sức khỏe và giữ trẻ miễn phí. Chính sách này đã được áp dụng từ năm 1996 đến nay. Các môn học ở giai đoạn dưới 7 tuổi không bao gồm đọc viết hay làm toán mà sẽ liên quan đến thiên nhiên, động vật và sự sống để các bé vừa học vừa chơi.
Chủ trương của nền giáo dục Phần Lan là không phân biệt đối xử vì những khiếm khuyết của trẻ em. Học sinh không phải trải qua quá nhiều kỳ thi chuẩn hóa áp lực như các nền giáo dục khác trên thế giới. Trong suốt quá trình học tập, chỉ có một kỳ thi chuẩn hóa bắt buộc cho học sinh Phần Lan sau khi kết thúc lớp 12.
Phần Lan cũng là một trong những quốc gia tuyệt vời nhất trên trái đất về thiên nhiên. Với 40 công viên quốc gia, Phần Lan sở hữu những khu rừng hoang sơ rộng lớn, cảnh quan và những hồ nước tuyệt đẹp. Người Phần Lan coi thiên nhiên đóng một phần quan trọng trong cuộc sống. “Quyền tự do đi lang thang” ở vùng nông thôn được quy định trong một quy tắc có tên là Quyền của mọi người. Người dân được sử dụng miễn phí gần như tất cả các khu rừng và hồ nước cho hoạt động đi bộ, bơi lội, trượt tuyết và thậm chí cắm trại ở những khu vực công cộng.
Năm 2023, Phần Lan nằm trong nhóm 13 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt chỉ tiêu chất lượng không khí về PM2.5 (bụi mịn gây ô nhiễm không khí) theo công bố của Công ty Công nghệ Thụy Sĩ căn cứu kết quả kiểm tra dữ liệu không khí từ hơn 30.000 trạm quan sát, cũng như cảm biến giám sát chất lượng không khí từ 7.323 thành phố trên 131 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ. Trước đó, Phần Lan cũng được Tổ chức Y tế thế giới xếp hạng quốc gia có không khí sạch nhất thế giới. Bầu không khí sạch, trong lành, mức độ ô nhiễm không khí thấp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm các bệnh về đường hô hấp cho người dân.
Hài lòng với cuộc sống
Tuy nhiên, nếu bạn hỏi người Phần Lan nghĩ thế nào về báo cáo xếp hạng hạnh phúc, nhiều người trả lời thích sử dụng cụm từ “hài lòng với cuộc sống hiện tại” thay vì từ “hạnh phúc”. Trong văn hóa Phần Lan, khái niệm hạnh phúc không phải là tiếng cười hân hoan, vui vẻ mà đơn giản là cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình và những gì mình đang có, bao gồm cả cảm xúc dễ chịu và những ngày u ám.
Nhiều người Phần Lan thuộc nhóm tính cách hướng nội, thích ở một mình. Vào dịp nghỉ hè, nhiều người chọn lui về sống tại những căn nhà riêng tư ở vùng nông thôn trong nhiều tuần lễ. Mặt khác, khí hậu ở Phần Lan khá khắc nghiệt. Mùa Đông rất lạnh và thời gian trời tối dài hơn đáng kể so với các nơi khác, đặc biệt là vùng phía Bắc, nơi gần như tăm tối trong cả mùa Đông. Tuy nhiên, người Phần Lan không cảm thấy bất tiện mà rất hài lòng với những gì mình đang có. Nguyên nhân lớn nhất là do họ gần như không có những nỗi sợ như thường thấy ở những nơi khác.
Chính phủ Phần Lan đang cung cấp mạng lưới an sinh xã hội tốt nhất trên thế giới. Nước này chi 24% GDP cho an sinh xã hội, tỷ lệ cao nhất trong nhóm các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Mức thuế của Phần Lan khá cao, nhưng những gì người dân được nhận lại rất xứng đáng.
Mọi công dân Phần Lan đều được hưởng dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí cho đến cấp tiến sĩ. Ngoài 13 ngày nghỉ lễ toàn quốc, người lao động được nghỉ phép có lương 4 tuần lễ cho kỳ nghỉ hè và 1 tuần cho kỳ nghỉ đông. Nếu rơi vào cảnh thất nghiệp, Chính phủ sẽ trợ giúp cho đến khi tìm được công việc mới. Vấn đề giàu có, của cải, địa vị xã hội không quá nặng nề. Đơn giản vì mục đích của phần lớn người dân là đạt được trạng thái hài lòng với những gì đang có, thay vì ước mơ lớn lao.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ xã hội nào, Phần Lan cũng có những góc khuất. Sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên Phần Lan thực chất đã suy giảm trong 2 thập kỷ trở lại đây nhưng vấn đề bắt đầu trầm trọng hơn từ đại dịch COVID-19. Mức độ hài lòng với cuộc sống của nhóm tuổi teen ngày càng bộc lộ rõ hơn. Theo một nghiên cứu, sự bất an, buồn chán và cảm giác cô đơn đã tăng mạnh so với thời điểm 2019.
Bên cạnh đó, già hóa dân số là rắc rối khác mà Phần Lan đang phải đối mặt. Theo số liệu chính thức, 21,9% dân số Phần Lan nằm trong độ tuổi từ 65 trở lên. Nước này có tỷ lệ người già cao thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Nhật Bản và Italy.
KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)