Lưu giữ 'quà' của biển
Đi dọc đường Hoàng Hoa Thám-một trong những con đường sầm uất nhất phố biển-rồi rẽ vào đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bất giác thấy thư thái lạ thường trước ô cửa trưng bày thuyền buồm, bình bông và chiếc đèn ngủ xinh xắn. Không có biển hiệu nhưng ai nấy đều biết đây là gian hàng của cơ sở mỹ nghệ sò, ốc Thanh Thêm (02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Thắng Tam) vốn có truyền thống lâu đời nhất tại TP.Vũng Tàu.
Các đại biểu thăm quan gian hàng thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ ốc, sò biển của nghệ nhân Vũng Tàu tại Hội nghị Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TPO) năm 2023 tổ chức ở TP.Vũng Tàu. |
Nghề nức tiếng một thời
Ô cửa nhỏ của cơ sở nổi bật trên khung nền ngôi nhà sơn xanh thẫm. Trong đó là những chiếc thuyền buồm trắng đủ kích cỡ được chế tác từ vỏ sò, vỏ ốc mang hơi thở của biển cả mà du khách vẫn thân thương gọi: “Quà” của biển!
Khung cảnh lãng mạn nên thơ như dẫn lối khiến bước chân du khách tiến vào cánh cửa mang vẻ cổ xưa, lãng mạn để ngắm nhìn kỹ hơn hay để sở hữu nó như món quà lưu niệm khi đến với phố biển Vũng Tàu. “Những sản phẩm từ sò, ốc được chế tác rất tinh xảo, là món quà phù hợp nhất để tôi chọn mua tặng người thân”, chị Nguyễn Ngọc Thiên An (du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh) xuýt xoa nói.
Còn chị Tạ Thị Hòa (du khách đến từ Đồng Nai) cũng bày tỏ: “Nếu được gặp gỡ và được hướng dẫn trực tiếp, thổi “tình cảm” của mình vào sản phẩm để tặng bạn bè khi có dịp đến Vũng Tàu chắc chắn là trải nghiệm rất thú vị”.
Được biết, nghề sò, ốc mỹ nghệ ở Vũng Tàu vốn hình thành gần 40 năm trước. Thời kỳ hoàng kim, nghề hình thành nên cộng đồng vài chục hộ gia đình sản xuất, bán sỉ theo đơn đặt hàng của những tàu viễn dương. Tuy nhiên, hiện ở Vũng Tàu chỉ còn 2 cơ sở với gần 10 hộ nhận gia công tại nhà.
Anh Nguyễn Thanh Vũ (chủ cơ sở mỹ nghệ Thanh Thêm) cho hay, sau khi tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.Hồ Chí minh, anh làm nhiều lĩnh vực nhưng vẫn luôn trăn trở về nghề truyền thống gia đình. Sau nhiều đắn đo, năm 2006, anh về Vũng Tàu tiếp quản nghề truyền thống do bố anh-nghệ nhân Nguyễn Quang Hải và mẹ là bà Vũ Thị Chức gây dựng hơn 40 năm qua.
Sản phẩm thuyền buồm độc đáo được chế tác từ vỏ sò, vỏ ốc tại cơ sở mỹ nghệ Thanh Thêm. |
Với nhiều nỗ lực, đến nay anh Vũ vẫn đang làm tròn vai nhiệm vụ gìn giữ truyền thống gia đình. Hiện cơ sở của anh duy trì 10 lao động thường xuyên. Hàng ngày, những con ốc đủ màu sắc dùng để trang trí được các nghệ nhân của cơ sở chế tác ra hàng trăm sản phẩm theo ngón nghề được trao truyền.
Theo anh Vũ, mỗi năm cơ sở sản xuất hàng trăm sản phẩm với giá cả dao động từ 150 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, lợi nhuận gần 1 tỷ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP.Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Hà Nội và cả Dubai. “May mắn là những người thợ làm cùng đều có óc sáng tạo và đam mê. Nhưng điều đáng lo với tôi là không có đội ngũ kế thừa”, anh Vũ trầm tư nói.
Với gần 40 năm kinh nghiệm, nghệ nhân Nguyễn Văn Sang, đang làm việc tại cơ sở mỹ nghệ Thanh Thêm, cũng canh cánh nỗi lo sẽ không tìm được truyền nhân. “Thầy tôi là ông Nguyễn Quang Hải cũng có nhiều người theo học nhưng chỉ một mình tôi nối được nghề. Do vậy, rất khó tìm được truyền nhân để chế tác sản phẩm mỹ nghệ sò, ốc”, ông Sang chia sẻ.
Phía ngoài gian hàng trưng bày của cơ sở mỹ nghệ sò, ốc Thanh Thêm trên tuyến phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu). |
Gìn giữ nghề truyền thống
Ngoài gian hàng trưng bày mỹ nghệ sò, ốc Thanh Thêm còn hiếm hoi trụ vững đến bây giờ thì các cửa hàng mỹ nghệ sò, ốc khác của thành phố chỉ còn nằm rải rác, hoạt động cầm chừng trên một số tuyến phố. Phần lớn là điểm kinh doanh tổng hợp nhiều loại sản phẩm để buôn bán nhỏ, lẻ, không chuyên về mỹ nghệ sò, ốc.
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy (chủ cửa hàng mỹ nghệ sò, ốc trên đường Lý Thường Kiệt, TP.Vũng Tàu) nói: “Du khách thường ít đến các cửa hàng mỹ nghệ sò, ốc để tìm mua. Buôn bán nơi này cũng ế ẩm do khách thường tập trung ở Bãi Sau, họ ít biết đến những tuyến phố phía trong nội đô có trưng bày, bán sản phẩm lưu niệm làm từ sò, ốc”.
Chế tác sản phẩm từ vỏ sò, vỏ ốc đòi hỏi phải am hiểu trước hết về nguyên liệu là sò và ốc theo từng đặc tính để chọn chế tác phù hợp, không làm mất vẻ độc đáo của tự nhiên mà còn tôn thêm giá trị. Bên cạnh đó, phải thật tỉ mỉ, kiên trì và say mê với công việc mới gắn bó được với nghề bởi chế tác thủ công hoàn toàn dựa vào đôi tay, thiết bị máy móc chỉ là phụ trợ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Sang, làm việc tại cơ sở mỹ nghệ Thanh Thêm
|
Tại Hội nghị Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TPO) năm 2023 với chủ đề “Hội tụ xanh” vừa diễn ra tại TP.Vũng Tàu, gian hàng mỹ nghệ sò, ốc thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, trong đó có Tổng thư ký TPO Woo Kyungha. Vật phẩm lưu niệm của lãnh đạo TP.Vũng Tàu trao tặng Tổng thư ký TPO là ngọn Hải đăng, biểu tượng của phố biển, được nghệ nhân địa phương chế tác tinh xảo từ các loài vỏ sò, ốc.
Bên cạnh đó, từ khi nghề sò, ốc mỹ nghệ phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu được công nhận là nghề truyền thống cũng đã được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn. Nhưng nghề này vẫn chưa thể trở lại thời hoàng kim như trước kia.
Anh Nguyễn Thanh Vũ chia sẻ thêm: “Chúng tôi không còn hoài niệm thời quá khứ nữa mà đang nỗ lực duy trì, phát triển. Tôi đang sửa chữa cơ sở tại đường La Văn Cầu (Bãi Sau, TP.Vũng Tàu) trở thành cửa hàng work-shop để các nghệ nhân tham gia, có thể hướng dẫn du khách cùng chế tác. Các món quà mà tự tay chế tác và họ có thể đem về làm quà tặng hoặc trang trí trong nhà sẽ là mô hình thu hút khách du lịch mới mẻ, hy vọng tạo ra sản phẩm du lịch rất ý nghĩa cho thành phố biển”.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG