.

Chủ động phòng ngừa thiên tai trong du lịch

Cập nhật: 18:53, 31/03/2023 (GMT+7)

Trước mùa mưa bão, các DN du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh đã chủ động phương án phòng, chống để hạn chế mức thấp nhất rủi ro khi thiên tai xảy ra.

Đoàn công tác Sở Du lịch khảo sát công tác phòng, chống thiên tai tại tầng hầm Marina Bay Vũng Tàu Resort & Spa.
Đoàn công tác Sở Du lịch khảo sát công tác phòng, chống thiên tai tại tầng hầm Marina Bay Vũng Tàu Resort & Spa.

Luôn trong tư thế sẵn sàng

Giữa tuần tranh thủ khoảng thời gian vắng khách, ông Nguyễn Trương Minh Trường, Phó Giám đốc  Marina Bay Vũng Tàu Resort & Spa cùng các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCHPCTTTKCN) của khu nghỉ dưỡng tiến hành kiểm tra hệ thống cửa, phương tiện cứu hộ, trang thiết bị ở khu vực hồ bơi.

“Biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều. Bà Rịa-Vũng Tàu dù ít thiên tai, bão lũ nhưng những người làm du lịch luôn phải phòng ngừa trước vì an toàn của du khách là trên hết”, ông Trường bày tỏ.

Tại Marina Bay Vũng Tàu Resort & Spa, ngay trong thiết kế chủ đầu tư đã xây khối tầng hầm diện tích khoảng 400m2 dự phòng khi xảy ra bão sẽ di dời khách vào trú ẩn. Nhà kho, kho lạnh, nhà bếp, phòng y tế đều tính toán thông nhau để thuận tiện cung ứng bữa ăn, dịch vụ y tế xuống tầm hầm. Bên cạnh đó, hằng năm, đơn vị đều tập huấn kiến thức, quy trình về phòng, chống thiên tai, bão lũ, kỹ năng cứu hộ cho nhân viên.

Tương tự, khách sạn Vias Vũng Tàu cũng xem công tác chủ động ứng phó phòng, chống thiên tai là một nội dung quan trọng trong vận hành hoạt động. Bà Bà Lưu Thị Hồng Lý, đại diện Khách sạn Vias Vũng Tàu cho biết, năm nào, khách sạn cũng kiện toàn Ban Chỉ huy PCTTTKCN, đồng thời xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chặt chẽ, mời lực lượng chức năng đến hướng dẫn diễn tập tình huống giả định, dạy nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn và cấp chứng chỉ cho nhân viên.

Tại Khách sạn iBis Styles Vũng Tàu, theo dõi dự báo thời tiết và thông báo đến khách đặt phòng tình hình thời tiết tại khu vực Vũng Tàu là công việc thường xuyên. Trong trường hợp có dự báo bão, thông tin này cũng sẽ chuyển đến khách đặt phòng để khuyến cáo.

Bên cạnh đó, phương án phục vụ khách khi xảy ra bão cũng được xây dựng cụ thể. Nếu còn khách lưu trú tại khách sạn, nhân viên sẽ trấn an tâm lý, sơ tán khách đến nơi an toàn. Khách sạn cũng có kho dự trữ thực phẩm, 2 hầm chứa nước uống bảo đảm đủ cung ứng thực phẩm, nước uống cho toàn khách sạn trong 1-2 tuần. Ngoài ra, khách sạn luôn duy trì kết nối với y tế địa bàn để kịp thời cứu chữa khi xảy ra tai nạn, thương tích.

Phòng từ xa

Theo Sở Du lịch, địa hình Bà Rịa-Vũng Tàu được biển bao bọc. Các loại hình du lịch, dịch vụ chủ yếu phát triển chạy dọc hơn 300km đường bờ biển. Dù vị trí địa lý của Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá an toàn, ít bão gió nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu những năm gần đây gây hiện tượng thời tiết cực đoan, không theo quy luật, thiên tai ngày càng nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn gây rủi ro cho phát triển ngành du lịch. Do đó, tăng cường khả năng PCTTTKCN là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách, thường xuyên trong ngành du lịch với phương châm phòng ngừa là chính.

Hằng năm, Sở Du lịch đều có văn bản yêu cầu các khu, điểm du lịch phải xây dựng phương án PCTTTKCN, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu DN trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”;  tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho người lao động. Sở Du lịch cũng đến từng khu, điểm, cơ sở lưu trú kiểm tra, nhắc nhở để chủ động về phương tiện, con người, xử lý tình huống sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Trưởng phòng Quản lý Phát triển Du lịch Sở Du lịch, cho biết, trong tháng 3, Đoàn công tác của Sở Du lịch đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị, ứng phó PCTTTKCN năm 2023 tại một số khu, điểm kinh doanh ven biển trên toàn tỉnh.

Quá trình kiểm tra, Đoàn ghi nhận các cơ sở trên đều nêu cao chủ động ứng phó phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Phương án PCTTTKCN được xây dựng chú ý yếu tố con người, quy trình xử lý sự cố và mua sắm phương tiện, trang thiết bị thiết yếu, chuyên dụng đáp ứng hiệu quả công tác ứng phó sự cố thiên tai. Các cơ sở có hồ hơi, bãi tắm đều trang bị phương tiện cứu đuối và đội ngũ cứu hộ giỏi bơi lội và nghiệp vụ cứu người.

Bài, ảnh: KIM VINH

.
.
.