LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG DINH CÔ

Tạo dấu ấn để phát triển du lịch

Thứ Sáu, 24/02/2023, 20:28 [GMT+7]
In bài này
.

Lễ hội Dinh Cô (TT. Long Hải, huyện Long Điền) năm 2023 khai mạc ngày 27/2 và kéo dài đến hết ngày 3/3 (tức từ mùng 8 đến 12/2 Âm lịch). Năm nay, ngoài phần lễ với các nghi thức truyền thống, phần hội còn có nhiều hoạt động đặc sắc, hứa hẹn thu hút hơn 100 ngàn du khách và người dân địa phương.

Diễn xướng nghệ thuật hát bả trạo của Đội chèo bả trạo Dinh Cô (TT. Long Hải, huyện Long Điền) tại Lễ hội Dinh Cô - Long Hải.
Diễn xướng nghệ thuật hát bả trạo của Đội chèo bả trạo Dinh Cô (TT. Long Hải, huyện Long Điền) tại Lễ hội Dinh Cô - Long Hải.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 14/2, Bộ VHTT-DL đã ban hành các Quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cụ thể, Bộ VHTT-DL quyết định công nhận 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Lễ hội Dinh Cô - Long Hải và Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam (TP. Vũng Tàu). Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn trong dịp diễn ra Lễ hội Dinh Cô năm nay.

Lễ hội Dinh Cô (còn gọi là vía Cô) là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân vùng biển Nam Bộ. Lễ hội này thuộc loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần, cũng là sự kết hợp của lễ hội cầu ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi). Tương truyền cách đây 2 thế kỷ, một trinh nữ tên Lê Thị Hồng (tục danh Thị Cách), quê ở Tam Quan (Bình Định) hay theo cha vào vùng Bà Rịa, Gò Công buôn bán và rất yêu cảnh, mến người, không muốn rời xa vùng đất phía Nam. Cô giàu lòng nhân ái, nhưng chẳng may bị lâm nạn tại Hòn Hang trong một lần theo cha ra biển. Khi đó, Cô vừa tròn 16 tuổi. Ngư dân địa phương đã chôn cất Cô trên đồi Cô Sơn và lập miếu thờ ngoài bãi biển.

Sau nhiều năm, Cô về báo mộng giúp dân làng vượt qua nhiều khó khăn, dịch bệnh, giúp đỡ ngư dân có những chuyến biển thuận lợi, đầy tôm cá. Đến năm 1930, để làm cho danh hiệu “Long Hải thần nữ bảo an chính trực, nương nương chi thần” thêm phần rạng rỡ, ngư dân Long Hải dời miếu Cô lên núi Kỳ Vân. Đây cũng là nơi Dinh Cô tọa lạc đến ngày nay.

Lễ hội Dinh Cô diễn ra với nghi thức cổ truyền ngày càng long trọng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an. Chính sự hiển linh của Cô được truyền tụng giữa người này với người khác, được làm chứng và trải nghiệm khi họ tới đây cúng bái và cầu nguyện những điều được Cô giúp đỡ, phù hộ, che chở đã thu hút ngày càng nhiều người đến với lễ hội Dinh Cô.

Dự kiến thu hút 100 ngàn du khách

Hàng năm, theo nghi lễ truyền thống, từ sáng sớm ngày 12/2 (Âm lịch), các ghe thuyền sẽ quay hướng ra biển làm lễ Nghinh Cô. Một chiếc ghe của dân chài đi biển giỏi nhất trong năm sẽ được chọn dẫn đầu. Phía trên ghe có ngai, long vị Cô cùng các vị trong ban nghi lễ, bô lão cao niên với trang phục trang nghiêm và đội lân sư rồng.

Trong tiếng trống vang trời, đoàn ghe thuyền nối nhau ra khơi. Đi khoảng 2-3 hải lý, nhắm chừng tới nơi Cô tử nạn ngày xưa, ông chánh bái sẽ bắt đầu nghi lễ rước Cô cùng các vị thần linh, ông bà tổ tiên về dinh ăn giỗ.

Trong những ngày lễ hội Dinh Cô - Long Hải, khu di tích lịch sử - văn hóa Dinh Cô được trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm. Tàu, thuyền của ngư dân treo đèn, hoa lộng lẫy, cùng tập trung hướng vào Dinh Cô thực hiện nghi thức “Chầu Cô”. Khi màn đêm buông xuống, những chiếc tàu, thuyền chiếu sáng cả một góc trời bày tỏ lòng thành kính với Cô cùng mong cầu được phù hộ, giúp đỡ cho thuyền ghe nhiều tôm cá.

Ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, Lễ hội Dinh Cô - Long Hải năm nay diễn ra dài ngày nhất từ trước đến nay, kéo từ ngày 28/2 đến 3/3 (những năm trước, lễ hội thường chỉ diễn ra trong 3 ngày). Ngoài phần nghi lễ cúng truyền thống như: Thỉnh Long vị, cúng An vị, cúng Tiền hiền Hậu hiền, tụng niệm cầu Quốc thái dân an, Nghinh Bà Thủy thần nhập điện… Bên cạnh phần hội truyền thống với các hoạt động biểu diễn hát bả trạo, đờn ca tài tử, năm nay, Lễ hội Dinh Cô còn tổ chức thả diều nghệ thuật bãi biển, thi bóng chuyền bãi biển nam, nữ, thi đi cà kheo trên cát, thi cột lưới, đan lưới thu hút thanh niên, ngư dân tham gia.

Điểm nhấn là lễ công bố quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Dinh Cô - Long Hải dự kiến diễn ra ngày 2/3, tại Di tích Lịch sử - Văn hóa Dinh Cô - Long Hải. Trong chương trình, lễ công bố sẽ tổ chức biểu diễn sân khấu hóa tái hiện quá trình hình thành Lễ hội Dinh Cô; đoàn xe diễu hànhtuyên truyền về việc công nhận Lễ hội Dinh Cô - Long Hải là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dự kiến năm nay Lễ hội Dinh Cô - Long Hải  thu hút hơn 100 ngàn người dân, du khách đến chiêm bái, cầu an. Sự tham gia, cổ vũ của du khách sẽ làm cho lễ hội Dinh Cô - Long Hải càng thêm phần náo nhiệt, hấp dẫn. Lễ hội không chỉ mang bản sắc dân tộc, mà còn thể hiện ý nguyện của người dân luôn mong điều hạnh phúc, ấm no từ xưa đến nay. Nét đẹp truyền thống này sẽ được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Nhằm phát triển du lịch chất lượng cao theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. UBND huyện Long Điền đã ban hành Kế hoạch số 7020/KH-UBND ngày 12/7/2022 về việc triển khai các nhiệm vụ nhằm thúc đấy phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Long Điền giai đoạn 2022-2025.
Sự kiện Lễ hội Dinh Cô được Bộ VHTT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 237/QĐ-BVHTTDL vào ngày 14/2 là một dấu ấn, điều kiện thuận lợi để huyện phát triển loại hình du lịch tâm linh đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần phát triển du lịch của địa phương; phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch, cho các nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
(Ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền)

Bài, ảnh: AN NHIÊN

;
.