.

Hãy cùng du Xuân

Cập nhật: 20:13, 16/01/2023 (GMT+7)

Đến Bà Rịa - Vũng Tàu Xuân này, du khách không chỉ được tận hưởng thiên nhiên biển trời tươi đẹp, mà còn được đắm chìm vào những không gian văn hóa, giải trí độc đáo. 

Người dân chụp ảnh tại Hội hoa xuân TP.Vũng Tàu. Ảnh: Quang Vũ
Người dân chụp ảnh tại Hội hoa xuân TP.Vũng Tàu. Ảnh: Quang Vũ
Tiểu cảnh gia đình mèo sum họp vui vầy tại Hội hoa Xuân Vũng Tàu thu hút nhiều người check in.
Tiểu cảnh gia đình mèo sum họp vui vầy tại Hội hoa Xuân Vũng Tàu thu hút nhiều người check in.

“Check in” hội hoa xuân, đường hoa 

Hội Hoa Xuân tại Hoa viên Trưng Vương và Công viên Quang Trung (Bãi Trước, TP.Vũng Tàu) là không gian Xuân truyền thống của TP.Vũng Tàu.

Nếu như những năm trước, giáp Tết nghi thức khai mạc mới diễn ra thì năm nay ngay ngày đầu của năm Dương lịch, TP.Vũng Tàu đã cắt băng khai Hội Hoa xuân để người dân và du khách có không gian dạo chơi, chụp ảnh, thưởng ngoạn xuân sớm. 

Hình tượng chú Mèo của năm Quý Mão được sử dụng xuyên suốt trong các thiết kế của Hội Hoa xuân, bên cạnh vô số tiểu cảnh đẹp mắt, trang trí lung linh chắc hẳn sẽ làm du khách tìm thấy sự ấm áp, sum vầy. Hội Hoa xuân mở cửa cho người dân và du khách vào tự do tham quan. 

Các địa phương như TP.Bà Rịa, huyện Xuyên Mộc, TX.Phú Mỹ đều có đường hoa và khu vực trang trí hoa xuân. Trong đó, đường hoa TX.Phú Mỹ tổ chức ngay đoạn đường trung tâm - Trần Hưng Đạo - một đầu giao với Quốc lộ 51. Đường hoa Bà Rịa nằm trên đường Phạm Văn Đồng, giáp quảng trường 27/4. Đường hoa Xuyên Mộc có chiều dài gần 200m, tại công viên Bờ Hồ và đường đi bộ phía trước Trung tâm VHTT huyện Xuyên Mộc. Mỗi nơi mỗi thiết kế khác nhau nhưng xuyên suốt đều dùng linh vật Mèo biểu trưng và phối cảnh bằng vô vàn mô hình, hoa cảnh duyên dáng.

Phù điêu và chim phụng bằng chất liệu gốm Cây Mai (thế kỷ 19) trưng bày tại triển lãm gốm sứ.
Phù điêu và chim phụng bằng chất liệu gốm Cây Mai (thế kỷ 19) trưng bày tại triển lãm gốm sứ.

Ngắm gốm sứ cổ và trải nghiệm Tết cổ truyền tại Đường sách

Triển lãm gốm sứ các triều đại của Việt Nam tại Nhà Truyền thống Cách mạng (số 1 Bacu, phường 1, TP.Vũng Tàu) mang đến một trải nghiệm mới lạ với những ai yêu thích tìm về quá khứ, với hơn 120 sản phẩm của 40 nhà sưu tập từ thời Đông Sơn, Lý, Trần, Lê… 

Cũng trong không gian này, còn có khu vực trưng bày bonsai, đá phong thủy, triển lãm ảnh nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân và viết thư pháp. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 29/1/2023 (mùng 8 Tết) đón khách vào tự do.

Cạnh đó, Đường sách Vũng Tàu cũng có nhiều hoạt động “Vui Tết cổ truyền” trong suốt những ngày Tết như không gian phố ông đồ cho chữ; chơi trò chơi dân gian; khu trò chơi trí tuệ lắp ráp lego. Ngoài các gian hàng bán sách nhỏ xinh, Đường sách cũng có cà phê, kem, giải khát. Sau khi dạo Hội Hoa xuân, ngoạn cảnh Công viên Bãi Trước, du khách ghé thăm, nhâm nhi tách cà phê và tham gia các hoạt động vui xuân.    

Ngược dòng xứ Mô Xoài tại Bảo tàng tỉnh

Bảo tàng tỉnh tọa lạc tại số 4 Trần Phú, TP.Vũng Tàu. Công trình thật sự bề thế, đáng để du khách và người dân dừng chân ghé thăm. Các tổ hợp trưng bày theo chủ đề mang lại cho khách cái nhìn tổng quan về cảnh quan, thiên nhiên, con người, lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu từ khi những cư dân đầu tiên đến khai hoang lập ấp đến nay. 

Mô hình con tàu đắm và cổ vật trục vớt trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu tái hiện  dưới lớp kính trong suốt tại Bảo tàng tỉnh gây thích thú, tò mò cho khách tham quan.
Mô hình con tàu đắm và cổ vật trục vớt trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu tái hiện dưới lớp kính trong suốt tại Bảo tàng tỉnh gây thích thú, tò mò cho khách tham quan.

Từ Vườn quốc gia và biển Côn Đảo, nhà sàn của đồng bào dân tộc Châu Ro, ngôi nhà 1 gian 2 chái đặc trưng của người dân Nam bộ thế kỷ XIX, các làng nghề truyền thống tiêu biểu của Bà Rịa-Vũng Tàu, pháo đài Phước Thắng, địa đạo Long Phước, nhà tù Côn Đảo, chiến thắng Bình Giã đến những thành tựu về kinh tế - xã hội được mô phỏng bằng mô hình sinh động, trưng bày đầy nghệ thuật và tinh tế, chắc chắn sẽ tạo ấn tượng mạnh với người xem. 

Bảo tàng tỉnh sẽ nghỉ Tết 29, 30 tháng Chạp và mùng 1 Tết. Từ mùng 2 Tết mở cửa đón khách du Xuân. Giá vé vẫn giữ nguyên, 40.000 đồng/người lớn; học sinh từ 15 tuổi trở lên 20.000 đồng/vé. Giá vé tham quan Khu di tích lịch sử Bạch Dinh 15.000 đồng/vé. Bảo tàng sẽ bố trí thuyết minh viên, tăng lực lượng bảo vệ chia khách thành nhóm nhỏ để đảm bảo an ninh, an toàn. 

Một điểm đến cũng thú vị khác là Bảo tàng Vũ khí cổ. Hiện nay bảo tàng đã đóng cửa nghỉ Tết và đón khách trở lại từ mùng 2 Tết. Giá vé không thay đổi, 50.000 đồng/vé người lớn 35.000 đồng/vé trẻ em. 

Không gian check in Tết cổ truyền tại Khách sạn Mường Thanh Holiday Vũng Tàu.
Không gian check in Tết cổ truyền tại Khách sạn Mường Thanh Holiday Vũng Tàu.

Ngắm đất trời vào xuân từ Núi Lớn

Núi Lớn vào xuân muôn hoa đua nở. Đi cáp treo lên Núi Lớn ngắm toàn cảnh Vũng Tàu, tận hưởng khí hậu trong lành, mát mẻ mùa xuân là một trải nghiệm đáng nhớ. KDL Hồ Mây Park trên đỉnh Núi Lớn có nhiều tiểu cảnh, góc chụp ảnh đẹp cho du khách selfie, check in. 

Mùa xuân, muôn hoa khoe sắc trên đỉnh Núi Lớn.
Mùa xuân, muôn hoa khoe sắc trên đỉnh Núi Lớn.

Tại đây còn có cả một thế giới vui chơi, khám phá với hơn 70 trò chơi như: leo núi mô hình, xe điện đụng, tàu lượn, trượt cỏ, đu dây (zipline), xe đua F1, ngồi ghế bay, xe trượt dốc, vòng quay bạch tuộc, bắn cung, Quick Jump, Tarzan, thuyền rồng, ngồi tháp rơi, video game, xe lửa, xe điện đụng, tàu bay, cưỡi ngựa, phi thuyền, nhà banh, cầu tuột, tarzan, lính cứu hỏa, trượt cầu tuột, chui nhà ống, súng nước trong công viên nước, xem phim trong rạp mái vòm 7D-Fulldome…

Từ mùng 2 đến mùng 7 Tết, từ 19g30 Hồ Mây Park tổ chức chương trình ca nhạc tại sân khấu nhạc nước. Chương trình quy tụ nhiều ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng biểu diễn như: Lương Gia Huy, Lâm Hùng, Phương Thanh, Kyo York, Thanh Thúy, Phạm Anh Khoa, Quách Tuấn Du, nhóm Nhật Nguyệt… 

Giá vé tham quan trọn gói trong ngày: 400 ngàn đồng/người lớn, trẻ em từ 1m đến 1,3m: 200 ngàn đồng (gồm lên xuống cáp treo), miễn phí cho trẻ dưới 1m. Người Bà Rịa-Vũng Tàu được giảm 20% giá vé.

Chùa Đại Tòng Lâm rực rỡ hoa Tết đón khách hành hương, thăm viếng.
Chùa Đại Tòng Lâm rực rỡ hoa Tết đón khách hành hương, thăm viếng.

Chiêm bái những ngôi chùa, nhà thờ kiến trúc đẹp

Bà Rịa-Vũng Tàu có những ngôi chùa, nhà thờ kiến thúc đẹp như Đại Tòng Lâm (TX.Phú Mỹ), thiền viện Chơn Không (TP.Vũng Tàu), thiền viện Chân Nguyên (Đất Đỏ), nhà thờ Bãi Dâu, nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa, nhà thờ Song Vĩnh…

Tất cả đều có kiến trúc độc đáo cùng một không gian thanh tịnh để du khách thăm viếng, tịnh tâm, gửi những lời nguyện cầu may mắn, bình an, năm mới mạnh khỏe cho gia đình và người thân. 

Dịp Tết, khuôn viên các ngôi chùa, nhà thờ cũng trang hoàng hoa kiểng, không gian Tết đẹp trở thành nơi chụp ảnh lý tưởng cho du khách du xuân trong trong những  ngày xuân.

Mùng 4 và 5 Tết, Bãi Sau sẽ có lễ hội diều.
Mùng 4 và 5 Tết, Bãi Sau sẽ có lễ hội diều.

Xem văn nghệ, diều nghệ thuật

Các chương trình nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu tại Bà Rịa-Vũng Tàu trong dịp Tết. Trong đó, chương trình nghệ thuật “Bà Rịa - Vũng Tàu dấu ấn 2022” tối 21/1 (30 Tết Quý Mão) tại Quảng trường Công viên Bà Rịa (TP.Bà Rịa) hoành tráng nhất. Chương trình mở đầu với 30 phút nhạc EDM và tiếp nối với phần ca múa nhạc về mùa xuân, quê hương Bà Rịa-Vũng Tàu, ca khúc trẻ do các ca sĩ như : Ngô Kiến Huy, Hiền Thục, Hoàng Việt, Tuấn Kiệt, Hồ Nhật Huy, Trúc Lai, Khánh An, nhóm Sắc Việt, nhóm FM, các nghệ sĩ của Nhà hát Bà Rịa-Vũng Tàu, Kyo York, Giang Hồng Ngọc… trình diễn kéo dài đến giao thừa và tiếp nối bằng chương trình pháo hoa chào năm mới 2023. 

Trong những ngày Tết, ở các địa phương trên toàn tỉnh đều diễn ra nhiều hoạt động giải trí như biểu diễn lân sư rồng, hội thi hoa lan, thi chim chích chòe, thả diều… để du khách và người dân có nhiều sân chơi. 

Bài, ảnh: KIM VINH 

.
.
.