RAMSAR CÔN ĐẢO - MẪU CHUẨN HỆ SINH THÁI RỪNG, BIỂN Kỳ 3: Gìn giữ như báu vật giữa đảo ngọc

Thứ Bảy, 26/11/2022, 07:07 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu dự trữ sinh quyển. Trong đó Côn Đảo của Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương được đặc biệt lưu ý, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học.

Khách du lịch tham gia thả rùa con về biển tại Côn Đảo.
Khách du lịch thích thú với tour lặn ngắm san hô tại vùng biển Côn Đảo.

Duy trì, lưu giữ nguồn gen

Bảo tồn đa dạng sinh học nhằm duy trì, lưu giữ nguồn gien và các sinh cảnh đặc trưng của Côn Đảo và của Việt Nam, tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường sống bền vững đang là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong quá trình phát triển Côn Đảo.

Hiện nay, Ban quản lý VQG Côn Đảo đã xây dựng Quy chế bảo tồn tài nguyên biển, thực hiện cam kết bảo vệ rừng, đồng thời, triển khai các chương trình quản lý, bảo tồn VQG, mang lại những hiệu quả thiết thực.

Ban quản lý VQG Côn Đảo đã xây dựng mạng lưới các trạm quản lý, bảo vệ, gồm: 5 Trạm kiểm lâm ở đảo lớn trung tâm; 7 trạm kiểm lâm ở các đảo nhỏ có đa dạng sinh học cao, tạo ra một hệ thống quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng và biển khép kín. Trong đó, kiểm lâm của VQG là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bám đảo 24/24 thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân xâm phạm tài nguyên trái phép trong khu bảo tồn.

Nhân viên VQG Côn Đảo thực hiện thu gom rác đại dương mắc kẹt dưới các bãi san hô.
Nhân viên VQG Côn Đảo thực hiện thu gom rác đại dương mắc kẹt dưới các bãi san hô.

Hàng năm, VQG tổ chức cho các cán bộ khoa học thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học cơ sở, phục vụ cho quản lý, bảo tồn. Một số chuyên đề nghiên cứu khoanh nuôi phục hồi, phát triển rừng đã được triển khai thực hiện. Công tác nghiên cứu đa dạng sinh học biển, giám sát các rạn san hô, đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu bảo tồn một số loài quý hiếm như rùa biển, dugong, trai tai tượng... được quan tâm nghiên cứu và bảo tồn.

Ngoài ra, Ban quản lý VQG Côn Đảo đã lập và trình Chính phủ Dự án quy hoạch phát triển du lịch sinh thái tại VQG Côn Đảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Đây là cơ sở cho việc thực hiện Chiến lược bảo tồn và phát triển bền vững, phát huy các giá trị về thiên nhiên, cảnh quan để phát triển kinh tế - xã hội tại Côn Đảo.

VQG Côn Đảo cũng khuyến khích cộng đồng sử dụng tài nguyên bền vững bằng cách tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch sinh thái, chuyển đổi ngành nghề ít ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Cộng đồng đã chuyển đổi từ đánh bắt thủy, hải sản ven bờ sang vận chuyển khách du lịch, buôn bán, nuôi ong mật, nhà nghỉ cho khách du lịch. Các hoạt động đánh, bắt thủy sản được thực hiện trong phân khu phát triển bằng các nghề truyền thống. Khuyến khích và hướng dẫn ghe, tàu vận chuyển khách du lịch không thả neo trực tiếp trên rạn san hô, cỏ biển mà buộc vào các phao neo cố định.

Khách du lịch tham gia thả rùa con về biển tại Côn Đảo.
Khách du lịch tham gia thả rùa con về biển tại Côn Đảo.

Phát triển du lịch bền vững

VQG Côn Đảo đang khai thác nhiều sản phẩm du lịch sinh thái trong khu Ramsar Côn Đảo như: đi bộ xuyên rừng, tham quan rừng mưa nhiệt đới hải đảo, tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái biển, xem rùa đẻ trứng, lặn xem san hô, leo núi ngắm rừng, du lịch thể thao, khám phá thiên nhiên…

Trong đó, có một số sản phẩm du lịch sinh thái mang tính đặc trưng cao và đang được khai thác hiệu quả như tour xem rùa đẻ trứng, lặn biển ngắm san hô, đi bộ trong rừng, ngắm cảnh hoang dã trong rừng phát hiện những sinh vật độc đáo của khu vực… 

Theo ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG Côn Đảo, giai đoạn 2021 đến 2030, tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, làm nguồn lực cho việc xây dựng phát triển ngành du lịch Côn Đảo theo hướng bền vững. 

Theo đề án, địa phương sẽ xây dựng 17 tuyến du lịch sinh thái như: Tuyến đảo Côn Sơn - các đảo nhỏ; tuyến Ma Thiên Lãnh - Hang Đức Mẹ - Ông Đụng; Đất Dốc - Núi Nhà Bàn; Sân bay Cỏ Ống - Hòn Cau... Tỉnh cũng đã phê duyệt 20 địa điểm cho thuê môi trường rừng tại VQG Côn Đảo để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn thiên nhiên với gần 910ha, tuy nhiên phải đảm bảo các quy định giữ vững mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, giữ vững độ che phủ rừng.

Sở TN-MT tham gia trồng rừng ngập mặn tại khu Ramsar Côn Đảo.
Sở TN-MT tham gia trồng rừng ngập mặn tại khu Ramsar Côn Đảo.

Xác định vai trò quan trọng của đa dạng sinh học, những năm qua, Côn Đảo nói riêng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung đã và đang nỗ lực tìm hướng bảo vệ nguồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững tại Côn Đảo. 

Ông Lê Văn Phong khẳng định, huyện đã triển khai các biện pháp sử dụng bền vững và thực hiện các cơ chế chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; khuyến khích phát triển vùng đệm các khu bảo tồn bằng việc cho dân nghèo, ngư dân đánh bắt thủy sản được vay vốn lãi suất thấp từ Quỹ Bảo tồn và Phát triển tài nguyên thiên nhiên VQG Côn Đảo để hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng, góp phần giảm áp lực xâm hại tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, gắn phát triển du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tạo công ăn việc làm, vừa là một kênh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Ngày 1/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành Quyết định số 417/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2045. Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, bao gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 75,78km2, diện tích mặt biển thuộc VQG Côn Đảo khoảng 140,00km2 và vùng biển xung quanh các đảo. Quyết định đặt mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, khai thác và bảo vệ sinh thái VQG, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa-lịch sử-tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế.

 

;
.