Nâng tầm thương hiệu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu

Thứ Sáu, 01/07/2022, 18:42 [GMT+7]
In bài này
.

Hậu dịch COVID-19, cùng với việc kích hoạt toàn bộ hệ thống hạ tầng dịch vụ phục vụ khách, BR-VT đặc biệt quan tâm quảng bá thu hút du khách, nâng tầm thương hiệu nhằm đẩy nhanh tốc độ hồi phục ngành du lịch. 

Du khách tắm khoáng tại Minera Hot Springs Bình Châu.
Du khách tắm khoáng tại Minera Hot Springs Bình Châu.

Xác định đúng thị trường mục tiêu

Những năm gần đây, BR-VT đã nghiên cứu và thường xuyên đổi mới phương thức xúc tiến, truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch theo hướng chủ động tiếp cận khai thác các thị trường khách. Nhờ vậy, không kể 2 năm đại dịch (2020-2021), du lịch BR-VT luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân năm 2 con số, hơn 12%/năm về lượng khách và hơn 10%/năm về doanh thu, đóng góp quan trọng vào bức tranh kinh tế của tỉnh.

Năm 2022, nhằm đẩy nhanh tốc độ hồi phục du lịch hậu COVID-19, BR-VT đã chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông, quảng bá du lịch với nhiều hoạt động, trong đó tập trung vào thị trường trọng điểm gồm khu vực Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ.

Cụ thể, BR-VT sẽ tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh - ITE HCM 2022; Hội chợ du lịch tại miền Trung - Tây Nguyên; Hội chợ du lịch tại miền Tây Nam bộ; Năm Du lịch Quốc gia tại Quảng Nam; Lễ hội Ẩm thực chay tại Tây Ninh; Liên hoan ẩm thực tại Bình Dương… Bên cạnh đó sẽ mời cơ quan xúc tiến du lịch, DN lữ hành, dịch vụ du lịch từ các khu vực trên về BR-VT khảo sát điểm đến, ký hợp tác liên kết về tour tuyến, trao đổi sản phẩm dịch vụ.

Cũng trong kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2022 việc đẩy mạnh khai thác các nền tảng số trong quảng bá cũng được BR-VT tận dụng. Các chủ trương, chính sách, điểm đến, danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch, văn hóa, ẩm thực, tour tuyến du lịch được truyền thông trên báo mạng, báo giấy, kênh truyền hình Trung ương và địa phương; website xúc tiến du lịch (http://ittpa.baria-vungtau.gov.vn), các ứng dụng facebook, youtube… Ngoài ra, để lan tỏa những hình ảnh đẹp về vùng đất, cuộc sống và con người BR-VT, chương trình xúc tiến du lịch năm 2022 còn tổ chức thi ảnh, video huy động sự tham gia của du khách và người dân địa phương yêu mến nghệ thuật nhiếp ảnh.

Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhận xét, chương trình xúc tiến du lịch năm 2022 rất hợp lý. Các nội dung quảng bá nếu thực hiện được chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, việc xác định thị trường mục tiêu gồm Miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Đông Nam bộ khi tham gia các hội chợ, sự kiện về du lịch rất chuẩn xác, khai thác được điểm mạnh về khoảng cách địa lý và thế mạnh biển của du lịch BR-VT.

Ông Hoàng Ngọc Linh cũng chia sẻ thêm, hiện nay dịch COVID-19 đã được kiểm soát, du lịch quốc tế đã nối lại. Với DN nội tỉnh, nhu cầu đón khách quốc tế, đa dạng nguồn khách rất lớn. Nhiều DN muốn tham dự ITE HCMC 2022 vì đây là hội chợ mang tầm quốc tế, quy tụ các thương hiệu, DN lớn có nguồn khách đông đảo từ nhiều quốc gia. “Gian hàng du lịch BR-VT tại hội chợ chính là bộ mặt đại diện cho địa phương. Do đó, cần chọn khách sạn, resort quy mô, tên tuổi, ít nhất từ 4 sao trở lên tham gia trong gian hàng quảng bá. Hoạt động hoạt náo tại gian hàng cũng phải “chất”, thể hiện bản sắc của địa phương, không nên mang tính chất cá nhân DN”, ông Linh lưu ý.

Nâng tầm thương hiệu du lịch 

Không chỉ xác định trọng tâm, trọng điểm truyền thông, quảng bá theo năm, từ năm 2019, BR-VT đã đặt Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững tư vấn xây dựng đề án quảng bá thương hiệu du lịch đến năm 2030.

Đề án xác định mục tiêu đưa thương hiệu du lịch BR-VT đúng với tiềm năng vốn có của điểm đến cũng như nắm bắt, thu hút các thị trường du lịch trọng điểm và các thị trường mới nhằm đưa điểm đến BR-VT lên một vị thế mới trong bức tranh du lịch Việt Nam, phù hợp với định hướng phát triển du lịch Việt Nam.

Theo đó, thương hiệu du lịch BR-VT được xây dựng trên cơ sở phát triển 5 cụm du lịch chính gồm: TP.Vũng Tàu và vùng phụ cận, TP.Bà Rịa-Núi Dinh, Long Hải-Phước Hải, Hồ Tràm-Bình Châu và Côn Đảo. Sản phẩm định hướng phát triển là du lịch nghỉ dưỡng cho phân khúc cao cấp và sản phẩm đặc thù trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch đặc thù của từng cụm gắn với phát triển thương hiệu DN.

Đề án cũng đặt ra lộ trình truyền thông, quản trị thương hiệu, giải pháp nâng cao nhận thức thương hiệu; thúc đẩy du khách đến quyết định lựa chọn du lịch BR-VT.

Đề án đã được Sở Du lịch phối hợp với đơn vị tư vấn lấy ý kiến phản biện từ các chuyên gia, nhà khoa học, DN du lịch, các sở, ngành bằng văn bản và các hội thảo khoa học. Hiện đang tập hợp ý kiến hoàn thiện để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại - Du lịch, đây là lần đầu tiên BR-VT bắt tay xây dựng chiến lược bài bản, có luận cứ khoa học để quảng bá du lịch. Sau khi đề án được phê duyệt sẽ là kim chỉ nam cho công tác quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao tính cạnh tranh, định vị phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế trụ cột.

Bài, ảnh: MINH HƯƠNG

;
.