Nhớ người tiên phong bảo tồn rùa biển

Thứ Sáu, 03/06/2022, 19:45 [GMT+7]
In bài này
.

Ông Lê Xuân Ái, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo được người dân huyện Côn Đảo, bạn bè trong nước và quốc tế thương mến vì ông là người tiên phong bảo tồn rùa biển. Nhiều người gọi ông bằng cái tên thân thương “vua rùa”. Ngày 2/6, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư phổi. Ông ra đi để lại bao nhớ thương, tiếc nuối với mọi người.

Ông Lê Xuân Ái (thứ 2 từ trái qua) cùng các cộng sự di dời rùa biển vào bãi ấp.
Ông Lê Xuân Ái (thứ 2 từ trái qua) cùng các cộng sự di dời rùa biển vào bãi ấp.

Khi tôi điện thoại cho ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc BQL VQG Côn Đảo, ông đang từ Côn Đảo ra Quảng Nam để dự đám tang ông Lê Xuân Ái. Ông Huệ cho biết, ông đã có 27 năm gắn bó trong công việc với ông Lê Xuân Ái tại VQG Côn Đảo. “Với tôi anh Ái là người đam mê và tâm huyết bảo tồn rùa biển. Anh có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn rùa biển tại Việt Nam nói chung, Côn Đảo nói riêng. Ngoài ra anh còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của VQG Côn Đảo trong việc bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển”, ông Huệ nói.

Tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, năm 1985, chàng trai Lê Xuân Ái đến Côn Đảo với dự định ban đầu là dành vài năm để nghiên cứu rùa biển, xong việc rồi rời đi. Nhưng không ngờ tình yêu thiên nhiên, yêu biển đảo và đặc biệt là tình thương với loài rùa biển khiến ông Ái gắn bó với Côn Đảo suốt hơn 30 năm.  

Những năm đầu của thập niên 90, rùa biển ở Côn Đảo rất nhiều nhưng người dân, nhà hàng, quán xá vẫn xẻ thịt rùa, sử dụng trứng rùa để làm món ăn. Chứng kiến cảnh tượng ấy, ông Ái xót xa, nuôi quyết tâm bảo tồn loài động vật chậm chạp và quý hiếm này. Với chức danh lúc đó là Đội trưởng Đội bảo vệ rừng thuộc VQG Côn Đảo, ông Ái đề xuất chính quyền huyện Côn Đảo ban hành lệnh cấm khai thác rùa biển. Từ đó rùa biển đã không còn bị khai thác vô tội vạ như trước, nhưng để bảo vệ và phát triển loại động vật này là cả một hành trình dài. Đến nay, công tác bảo vệ rùa biển Côn Đảo đã có hơn 700 lượt rùa mẹ quay lên bờ đẻ trứng khoảng 700 con/năm. Thành công đó có những bước chân thầm lặng của ông Ái.

Năm 1995, ông Lê Xuân Ái kết nối với Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) để xin tài trợ dự án bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo. Năm 1996, WWF tài trợ ông Ái và đoàn 10 người gồm cán bộ VQG Côn Đảo, cán bộ huyện Côn Đảo sang Philippines học cách bảo tồn rùa biển. Sau khóa đào tạo tại Phillipine, công tác bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo được thiết lập lại một cách bài bản, khoa học hơn. Trước đây rùa biển được đeo thẻ nhựa thì nay được đeo thẻ inox để không bị rớt trong hành trình di cư dưới biển. Trước đây, khi rùa đẻ trứng, những người làm công tác bảo tồn không di dời trứng đi nơi khác thì tỷ lệ nở chỉ đạt 27%, nhưng theo đào tạo của WWF việc di dời tổ trứng khỏi khu vực ngập nước, thì tỷ lệ nở đạt đến 80%. Ngoài ra, rùa còn được đeo máy theo dõi qua vệ tinh để biết quá trình di chuyển. “Nếu như năm 2010, chỉ có khoảng 350 con rùa mẹ quay về bờ để đẻ trứng thì nay trung bình mỗi năm có đến 700 rùa mẹ quay về bờ để được đỡ đẻ”, ông Huệ nói.

Năm 2006-2009, ông Lê Xuân Ái tiếp tục được chương trình môi trường Liên hiệp quốc và tổ chức phát triển Đan Mạch tài trợ kinh phí khoảng 1,2 triệu USD cho dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên sinh học biển và ven biển”. Sau đó là hợp tác khoa học trong nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển với Viện nghiên cứu Hải dương học, Phân viện điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ… Từ thành công trong công tác bảo tồn rùa biển, nhiều vùng biển khác như VQG Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận), VQG Bãi Tự Long (tỉnh Quảng Ninh); VQG Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)… đều đến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm bảo tồn rùa biển của ông Ái.

Sau khi nghỉ hưu (năm 2016), ông Lê Xuân Ái trở về quê hương Quảng Nam tiếp tục giúp các địa phương miền Trung bảo vệ, cứu hộ rùa và tham gia công tác cứu hộ rùa biển, làm cố vấn cho BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Từ năm 2017-2020, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Bảo tồn và phục hồi quần thể rùa biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm”. Trong 3 năm (2017 – 2019), ông Lê Xuân Ái cùng với BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm thực hiện tổng cộng 6 đợt chuyển vị với gần 2.000 trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm, số trứng này đã được ấp nở ra hơn 1.700 chú rùa ở Cù Lao Chàm và được thả về đại dương.

Với cư dân Cù Lao Chàm, ông Lê Xuân Ái lúc nào cũng túi bụi, say sưa với chuyện bảo tồn rùa biển. Còn với người dân huyện Côn Đảo, ông Lê Xuân Ái vẫn là một “vua rùa” giản dị. Ông Lê Xuân Ái đã rời Côn Đảo hơn 6 năm nhưng với cấp dưới ông vẫn là người anh đáng quý, nghĩa tình, một lãnh đạo gần gũi, nhiệt huyết với công việc. “Anh Ái đóng góp công lao rất trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng biển Côn Đảo. Nhờ vậy, Côn Đảo đến nay vẫn giữ được nét nguyên vẹn như vậy”, anh Nguyễn Văn Vững, cán bộ VQG Côn Đảo tâm sự.

Ông Lê Xuân Ái sinh năm 1960 tại thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Năm 1985, ông Lê Xuân Ái đến công tác tại Côn Đảo. Năm 1986, ông là Đội trưởng đội Quản lý bảo vệ rừng VQG Côn Đảo. Năm 1989, ông làm Phó Giám đốc VQG. Từ năm 1991-2016 ông giữ nhiệm vụ là Giám đốc VQG Côn Đảo.

QUANG VŨ

;
.