Israel - Đất nước của bảo tàng
Không chỉ là nơi trưng bày giới thiệu di sản văn hóa, hiện vật gốc, nhiều bảo tàng tại Israel còn là địa điểm tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động trực tuyến… góp phần gia tăng nguồn thu và cuốn hút du khách đến với bảo tàng.
Với tổng dân số chưa đến 10 triệu người, nhưng Israel có trên 200 bảo tàng khác nhau, trong đó có 54 bảo tàng được nhà nước công nhận chính thức và gần 200 bảo tàng đăng ký hoạt động với Hội đồng Bảo tàng Quốc tế tại Israel (ICOM Israel). Ở quốc gia có số lượng bảo tàng nhiều nhất thế giới tính theo tỷ lệ dân số này, chủ đề hoạt động của các bảo tàng rất đa dạng, từ lịch sử, tự nhiên, khoa học, nghệ thuật, quân sự, tới bảo tàng về đá quý, đồ thủ công mỹ nghệ…
Ngoài các bảo tàng lớn mang tầm cỡ quốc tế xét về số lượng du khách tới thăm hằng năm như Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv, Bảo tàng Israel, Bảo tàng Yad Vashem, Israel còn có nhiều bảo tàng tư nhân xuất phát từ những gia đình có truyền thống như bảo tàng Ben Gurion, bảo tàng Goodman, bảo tàng Bialik House.
Sở dĩ Israel có nhiều bảo tàng là bởi quốc gia này có nhiều di sản văn hóa và mỗi lĩnh vực lại có những bảo tàng tương ứng. Bên cạnh các bảo tàng lịch sử, khảo cổ, còn có các bảo tàng mỹ thuật, tôn giáo… Ngoài ra, Israel cũng có các bảo tàng thành lập ở các HTX nông nghiệp (Kibutz), một số bảo tàng ở vùng đất Thánh Jerusalem. Đồng thời, nhiều nhà tài trợ nước ngoài cũng đề nghị thành lập bảo tàng, đơn cử như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Steinhardt là một bảo tàng tư nhân thành lập trong trường Đại học Tel Aviv.
Chính sự quan tâm của công chúng là một trong những yếu tố quan trọng duy trì hoạt động của các bảo tàng tại Israel. Với giá vé vào cửa trung bình khoảng 10 USD/người, một số bảo tàng lớn của nước này có thể đạt doanh thu hàng triệu USD/năm. Ngoài nguồn thu từ bán vé, các bảo tàng ở Israel còn dựa vào nguồn hỗ trợ từ Chính phủ và nguồn tài trợ. Các bảo tàng cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ chính quyền các thành phố thông qua miễn thuế nhà đất và các loại thuế khác.
Từ đó, nhiều bảo tàng áp dụng chính sách miễn phí vé vào cửa với một số đối tượng như HS, người tàn tật, hoặc giảm giá cho các đối tượng khác như SV, người lớn tuổi, quân nhân. Các bảo tàng tư nhân không nhận được hỗ trợ của chính phủ, nhưng hoạt động tích cực nhờ những người đứng đầu có tiềm lực tài chính.
Nhiều bảo tàng tại Israel đã được tích hợp công nghệ hiện đại và có mức độ số hóa cao ở tất cả các khâu từ mua vé đến trải nghiệm. Đặc biệt, với những hiện vật quá khứ không còn tồn tại hoặc các lĩnh vực siêu vi, các bảo tàng áp dụng công nghệ thực tế ảo để cho du khách tương tác một cách sinh động, cuốn hút.
Nhờ vậy, trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ, các bảo tàng tại Israel vẫn duy trì hoạt động thông qua ứng dụng công nghệ vào trình diễn và trưng bày.
Chẳng hạn, tại Bảo tàng ANU Lịch sử Người Do Thái, du khách có thể thực hiện hầu hết các trải nghiệm thông qua các thiết bị công nghệ và tương tác tại chỗ, hoặc thông qua phần mềm trên điện thoại thông minh. Khi nhập thông tin vào ứng dụng, ngay lập tức nguồn gốc, phả hệ gia đình sẽ được hướng dẫn viên “ảo” kể lại theo dòng lịch sử.
Đến nay, hầu hết các bảo tàng tại Israel cũng đã “phủ sóng” trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok… góp phần gia tăng đáng kể số lượng khách muốn tìm hiểu và quan tâm.
HẢI MINH