Trả lương cao vẫn khó tuyển lao động ngành du lịch

Thứ Sáu, 20/05/2022, 20:11 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là thực trạng của ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay. Từ sau khi mở cửa du lịch, dù kết quả thu hút khách đến BR-VT rất khả quan, song ngành du lịch và các DN phải đối mặt với nỗi lo thiếu hụt lao động có tay nghề.

Sở Du lịch kiến nghị UBND tỉnh mở nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp  và chất lượng dịch vụ du lịch. Trong ảnh: Nhân viên khách sạn Victory Vũng Tàu chỉnh trang, vệ sinh phòng.  Ảnh: KIM VINH
Sở Du lịch kiến nghị UBND tỉnh mở nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ du lịch. Trong ảnh: Nhân viên khách sạn Victory Vũng Tàu chỉnh trang, vệ sinh phòng. Ảnh: KIM VINH

Tuyển người liên tục

Hơn 2 tháng đăng tuyển nhân sự ở những vị trí cốt cán như giám đốc điều hành, trưởng phòng kinh doanh, phụ trách lễ tân… một khách sạn 4 sao tại TP.Vũng Tàu vẫn chưa tuyển được người ưng ý. Đại diện chủ đầu tư khách sạn này cho biết, đối tượng khách sạn muốn tuyển phải có kinh nghiệm tối thiểu 3 năm ở vị trí công việc tương đương, đồng thời là người địa phương để họ gắn bó lâu dài nhưng không dễ tìm được.

Khách sạn nhận được hơn 50 hồ sơ xin việc, trong đó đa phần là sinh viên mới tốt nghiệp, chưa hội đủ kỹ năng, kinh nghiệm làm quản lý. Điện thoại liên hệ những nhân viên đã gắn bó với khách sạn trước dịch thì hầu hết đã chuyển nghề hoặc chưa sẵn sàng quay lại công việc cũ vì sợ tính bất ổn của du lịch qua suốt 2 năm dịch COVID-19.

“Việc kinh doanh đang tốt dần lên, tín hiệu phục hồi du lịch của toàn thị trường BR-VT ngày càng khả quan buộc chúng tôi phải chọn phương án nhìn mặt tuyển người. Thông qua những buổi phỏng vấn trực tiếp ứng viên và xét bằng cấp, chúng tôi đặt mục tiêu tuyển đủ các vị trí công việc trong tháng 5 để kịp huấn luyện cho họ văn hóa, phong cách của khách sạn trước khi vào cao điểm du lịch hè”, vị đại diện này cho biết.

Không chỉ với những vị trí lao động đòi hỏi trình độ, học vấn nhất định mà rất nhiều DN du lịch còn chật vật khi thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động phổ thông. Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Tổng quản lý Oceanami Resort, chia sẻ, đặc thù của du lịch BR-VT nói chung là đông khách vào cuối tuần.

Những lúc này, hầu như DN du lịch nào cũng phải thuê mướn thêm lao động thời vụ làm theo giờ. Nhưng thuê lao động mới thì phải cần thời gian đào tạo mới bắt tay vào việc được. Tìm người cũ thì không dễ vì sau dịch COVID-19 nhiều người đã tìm được việc mới ổn định, không mặn mà với du lịch nữa. “Hiện giờ, tiền công thuê phục vụ theo giờ đã đẩy lên 40 ngàn đồng/giờ, nhưng tìm đỏ mắt không ra người”,  ông Cường than thở.

Tương tự, bà Thiềm Thanh Trang, Trưởng phòng Nhân sự Lan Rừng Resort Phước Hải chia sẻ, hậu quả của COVID-19 khiến sức khỏe, hiệu suất lao động của nhân viên giảm mạnh. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thu hút lao động phổ thông khá gay gắt trong khối dịch vụ. Những lao động thời vụ đã biết nghề, phần đã chuyển nghề khác, phần thì DN săn đón nơi nào trả công cao thì làm. DN buộc phải thuê mướn người mới khi khách đông. Từ đây phát sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười.

“Thỏa thuận xong, tới ngày vào việc, lao động không đến, điện thoại liên lạc cũng không nghe. Người mới chưa có nghiệp vụ thì phải mất thời gian tập huấn tay nghề mới dám cho phục vụ. Do vậy, dù tốc độ phục hồi kinh doanh tốt song DN luôn thắc thỏm”, bà Trang cho hay.

Đồng hành gỡ khó cho DN

Tình trạng mất cân bằng cung và cầu đối với lao động có trình độ vốn đã là vấn đề nan giải của ngành du lịch từ lâu. Thực tế trước đại dịch, Tổng cục Du lịch thống kê chỉ có 42% lao động được đào tạo bài bản về du lịch (đào tạo nghề hoặc tương đương), 38% từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. Sau khi đại dịch được kiểm soát, Việt Nam mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, tình trạng thiếu hụt lao động và những bất cập trong ngành càng bộc lộ rõ rệt hơn.

Tại BR-VT, nhận định dịch COVID-19 đẩy DN du lịch vào cảnh khó chồng khó, nhất là sự dịch chuyển việc làm gây ra tình trạng thiếu hụt lao động ngành du lịch, làm ảnh hưởng đến mặt bằng chất lượng dịch vụ cung ứng, Sở Du lịch đã tiến hành khảo sát thực trạng lao động, nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ, tay nghề tại gần 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên toàn tỉnh.

Kết quả khảo sát Sở Du lịch thống kê khoảng 1.600 lao động đang làm việc chưa qua đào tạo tay nghề. Sở Du lịch đã kiến nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương để Sở Du lịch đặt hàng các trường đào tạo nghề du lịch trên địa bàn tỉnh mở các lớp đào tạo nghề cấp tốc, ngắn hạn trong năm 2022 như: làm buồng, phục vụ bàn, lễ tân, tiếng Anh du lịch…để bổ sung nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng phục vụ, đáp ứng tốc độ phục hồi du lịch ngày càng nhanh và mạnh hiện nay.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã tiếp nhận kiến nghị của Sở Du lịch. BR-VT đang nỗ lực phục hồi du lịch, tập trung nhiều giải pháp thu hút khách đến địa phương khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn sau gần 2 năm dịch COVID-19.

Tỉnh cũng xác định nguồn nhân lực vững chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên nghiệp trong phục vụ sẽ mang đến chất lượng dịch vụ tốt làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. UBND tỉnh đã giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp phối Sở Tài chính, Sở LĐ-TB-XH tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch tại các DN kinh doanh dịch vụ trên địa bàn bảo đảm sát thực tế, đúng quy định.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

;
.