.

LỄ VÍA ÔNG LONG SƠN, TP. VŨNG TÀU: Khách trải đều trước, trong và sau lễ

Cập nhật: 12:34, 23/03/2022 (GMT+7)

Lễ Vía Ông Long Sơn diễn ra vào ngày 21 và 22/3 (nhằm ngày 19 và 20/2 âm lịch) tại Nhà Lớn Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Trước yêu cầu phòng dịch COVID-19, khách về Nhà Lớn trải đều trước, trong và sau lễ mà không tập trung đông vào 2 ngày lễ chính.

Những trái sầu riêng đầu mùa được ông Lê Văn Tám (đến từ Cai Lậy, Tiền Giang, thứ 2 từ phải qua) dâng cúng Ông Trần.
Những trái sầu riêng đầu mùa được ông Lê Văn Tám (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, thứ 2 từ phải qua) dâng cúng Ông Trần.

Lễ Vía Ông là một trong hai lễ hội chính thường niên của Nhà Lớn Long Sơn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) nhằm tưởng nhớ ngày mất của Ông Trần (ông Lê Văn Mưu), người có công khai đất, mở làng, lập nên xã đảo Long Sơn.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, lễ hội luôn thu hút đông đảo nhân dân các tỉnh, thành phía Nam về dự, đặc biệt là người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, năm nay trong bối cảnh công tác phòng dịch COVID-19 vẫn được đề cao nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, Nhà Lớn chủ trương hạn chế tập trung đông người, không đón tiếp các đoàn khách số lượng lớn, không đãi cơm, không cho khách lưu lại qua đêm.

Bà Lê Thị Kiềm, cháu đời thứ tư của Ông Trần, đại diện Nhà Lớn cho biết, các nghi thức như viết liễn dán lên cửa, cột nhà các dãy phố thuộc quần thể kiến trúc Nhà Lớn; kỉnh mặn vào lễ tiên thường (21/3) và lễ chính cúng món chay trong lễ giỗ chính (22/3) vẫn diễn ra như thông lệ.

Nhà Lớn đã thông báo đến bá tánh chủ trương hạn chế tập trung đông người trước đó nên bà con cũng thông hiểu. Do vậy, lượng người đến thăm Nhà Lớn, viếng Ông Trần trải đều từ những ngày trước lễ và kéo qua sau lễ. Số đoàn và số người của mỗi đoàn khách cũng giảm mạnh so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh.

Sau khi cúng Ông Trần, du khách tham quan kiến trúc và khuôn viên Nhà Lớn.
Sau khi cúng Ông Trần, du khách tham quan kiến trúc và khuôn viên Nhà Lớn.

Có mặt tại Nhà Lớn sáng 23/3, chúng tôi ghi nhận không khí vắng lặng. Thi thoảng vài nhóm khách nhỏ đến dâng hoa quả, thắp hương tưởng nhớ Ông Trần. Tất cả đều được Nhà Lớn đón tiếp chu đáo, mời trà nước, chuyện trò chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời và quá trình khẩn hoang lập làng Long Sơn của Ông Trần. Nhà Lớn cũng bố trí nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang để bá tánh sử dụng.

Ông Lê Văn Tám (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, tín ngưỡng Ông Trần đã hiện diện trong đời sống tâm linh 4 thế hệ gia đình ông. Mọi năm, ông cùng gia đình và bà con chòm xóm về viếng Ông Trần vào đúng ngày chính lễ để cầu mong sức khỏe, gia đạo bình an, công ăn việc làm thuận lợi. Năm nay, được Nhà Lớn báo trước không tập trung đông người để phòng dịch, nên ông và gia đình đi sau lễ chính một ngày. Dâng cúng xong, cả nhà về lại Tiền Giang trong ngày mà không lưu lại như những năm trước.    

Thống kê của Nhà Lớn, từ ngày 21 đến ngày 22/3, mỗi ngày Nhà Lớn đón từ 700-800 khách. Riêng sáng 23/3 có khoảng 300 khách từ các tỉnh, thành gần BR-VT như Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh đến Nhà Lớn. 

Bà Lê Thị Kiềm cho biết thêm, mọi năm để làm công tác hậu cầu, phục vụ, chỉnh trang khuôn viên, đi chợ, nấu nướng, tiếp đón khách và hướng dẫn khách thực hiện nghi thức kỉnh (cúng) Ông, nấu nướng cần đến hơn 1.000 người nhưng năm nay Nhà Lớn đã cắt giảm hơn phân nửa số người phục vụ. Tất cả vì mục tiêu quan trọng là hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

 

.
.
.