.
PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH XỨNG TẦM TRỤ CỘT KINH TẾ

Kỳ 2: Mở rộng không gian, tìm sự khác biệt

Cập nhật: 20:18, 17/12/2021 (GMT+7)

Nếu như nhiều năm trước, hệ thống dịch vụ chỉ tập trung ở Vũng Tàu, Long Hải thì những năm gần đây không gian du lịch đã trải rộng toàn tỉnh. Ngày càng nhiều cơ sở dịch vụ du lịch cao cấp ra đời dọc tuyến ven biển. Các vùng nông thôn cũng tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ với sản phẩm gắn với nông nghiệp, miệt vườn.

Hồ Tràm Strip hoàn thành tháp khách sạn thứ 2, nâng tổng số phòng lên 1.100 và nhiều dịch vụ cao cấp đi kèm.
Hồ Tràm Strip hoàn thành tháp khách sạn thứ 2, nâng tổng số phòng lên 1.100 và nhiều dịch vụ cao cấp đi kèm.

Lấp dần khoảng trống dịch vụ

Năm 2008, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm khởi công xây dựng dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm (Hồ Tràm Strip) tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Sau 5 năm thi công, hạng mục đầu tiên là tháp khách sạn 5 sao 541 phòng và các dịch vụ casino, trung tâm hội nghị, nhà hàng, spa… chính thức đón khách.

Chỉ 1 năm sau, sân golf 18 lỗ The Bluffs được đưa vào hoạt động. Hồ Tràm Strip không ngừng tái đầu tư, bổ sung, làm mới chuỗi dịch vụ. Trước thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện, đến Hồ Tràm Strip vào mọi thời điểm, du khách đều được hòa mình vào không khí lễ hội với đủ mọi loại hình giải trí như: nhạc nước, đại nhạc hội, hòa nhạc, hóa trang, ảo thuật.

Ngày 17/12/2021, DN tiếp tục khánh thành tòa tháp khách sạn thứ 2 mang tên Holiday Inn Resort Ho Tram Beach. Với tổng vốn đầu tư 85 triệu USD, Holiday Inn Resort Ho Tram Beach có 561 phòng tiện nghi và đầy đủ tiện ích khép kín như công viên ngoài trời, khu vui chơi trẻ em, nhà hàng, quán bar, khu trò chơi Game Zone, sân bowling…

Bà Lê Thị Thanh Thái, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại Hồ Tràm Strip cho biết, tính cả thời điểm tìm hiểu để đầu tư, Hồ Tràm Strip đã tiếp cận du lịch BR-VT gần 20 năm. Trong 20 năm qua, khu vực Hồ Tràm và cung đường ven biển có sự đổi thay ngoạn mục về diện mạo. Tỷ lệ lấp đầy dự án cao với nhiều dự án quy mô lớn, sản phẩm đa dạng.

Du khách Đỗ Thị Thúy Hoa (đến từ TP.Hồ Chí Minh) trong kỳ nghỉ  tại Minera Hot Springs Binh Chau cuối tháng 10.
Du khách Đỗ Thị Thúy Hoa (đến từ TP.Hồ Chí Minh) trong kỳ nghỉ tại Minera Hot Springs Binh Chau cuối tháng 10.

“Việc khai trương tòa tháp khách sạn thứ 2 vào thời điểm này là một thách thức lớn với chúng tôi do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, song thể hiện quyết tâm đầu tư, phát triển lâu dài và đúng cam kết với Chính phủ và tỉnh BR-VT”, bà Thanh Thái cho hay.

Nằm ở cuối đất BR-VT, Minera Hot Springs Binh Chau (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cũng hoàn thành quá trình đầu tư 1.512 tỷ đồng cải tổ toàn bộ dịch vụ theo mô hình chăm sóc sức khoẻ của Nhật Bản vào đầu năm 2020. Đến Minera Hot Springs Binh Chau hôm nay, du khách choáng ngợp với thế giới nước khoáng nóng liên hoàn nối tiếp nhau, trải nghiệm phong cách tắm khoáng trị liệu của nhiều quốc gia và hệ thống dịch vụ lưu trú, ẩm thực, phục hồi sức khỏe đẳng cấp, sang trọng.

Sau gần 5 tháng đóng cửa phòng dịch, giữa tháng 10 vừa qua, khu du lịch này đã mở cửa trở lại theo chương trình thí điểm đón khách khép kín. Tất cả du khách đều hài lòng về kỳ nghỉ và chất lượng dịch vụ tại đây, đặc biệt là công tác phòng chống dịch.

Chị Đỗ Thị Thúy Hoa, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, ngay khi BR-VT mở cửa du lịch, chị về Minera Hot Springs Binh Chau nghỉ dưỡng. “Tôi rất hài lòng về dịch vụ, nhất là các gói chăm sóc sức khỏe, tĩnh tâm thiền định. Trong khuôn viên còn có công viên rừng và vườn thú thu nhỏ để tôi tản bộ, đạp xe tận hưởng không khí trong lành của rừng tự nhiên. Tôi dự định sẽ đưa nội ngoại hai bên về đây nghỉ dưỡng một ngày gần nhất”, chị Hoa nói.

Không chỉ tuyến ven biển, 2 năm nay các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái, nông nghiệp gắn với chuỗi cung ứng - tiêu thụ. Trong đó tiêu biểu là công viên Binon Ca cao (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Với tour tìm hiểu về cây ca cao, quy trình chế biến (phơi, lên men hạt ca cao), làm và thưởng thức thành phẩm từ ca cao, mua sắm sản phẩm từ ca cao (như chocolate, bánh, trà, rượu)… Binon Ca cao đã tạo được làn gió mới đưa thiên nhiên, đồng quê và sản phẩm nông nghiệp vào du lịch. Trước dịch COVID-19, nơi đây thu hút khá đông HS-SV, khách Nhật tham quan.

Toàn tỉnh có 130 dự án đầu tư về du lịch với tổng diện tích 2.952ha, tổng vốn đầu tư 48.773 tỷ đồng và hơn 8,9 tỷ USD. Trong đó, 114 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án FDI. Có 50 dự án đã đi vào hoạt động, 35 dự án đang triển khai xây dựng và 45 dự án đang làm thủ tục pháp lý.

Thúc đẩy từ chính sách

Ai đi xa có dịp trở lại BR-VT gần đây đều cùng chung nhận xét cơ sở dịch vụ quy mô, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, dáng dấp trung tâm du lịch ngày càng hiện rõ. Để đạt được thành quả trên, công tác định hướng chiến lược, quy hoạch du lịch đã được BR-VT nhất quán ngay từ khi thành lập tỉnh.

Xuyên suốt các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, IV, V, VI, VII đều xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng cần ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng chuyên đề về du lịch, chỉ rõ định hướng phát triển du lịch với các mục tiêu và giải pháp cụ thể. Đó là Nghị quyết số 17/NQ-TV ngày 5/12/1998, Nghị quyết số 05-NQ/TU về Phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015. Đặc biệt Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 được xem là “bản lề” làm chuyển biến về nhận thức phát triển bền vững ngành kinh tế xanh.

Bên cạnh định hướng, công tác quy hoạch phát triển du lịch cũng được BR-VT triển khai từ rất sớm. Ngay từ năm 1996, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 1996-2000. Qua từng thời kỳ, quy hoạch được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, xác định các loại hình du lịch chủ yếu và các khu vực ưu tiên đầu tư, làm nền tảng cho công tác quy hoạch chi tiết các khu du lịch. Tỉnh cũng tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, viễn thông… đến hàng rào khu, điểm du lịch.

Du khách trải nghiệm tắm khoáng nóng tại Minera Hot Springs Binh Chau.
Du khách trải nghiệm tắm khoáng nóng tại Minera Hot Springs Binh Chau.

Việc cải cách thủ tục, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư cũng được chú trọng. Nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính, ký quỹ và cam kết tiến độ. Những dự án chậm do nhà đầu tư không triển khai theo tiến độ cam kết sẽ bị thu hồi. Tỉnh cũng công bố quỹ đất và danh mục dự án trọng điểm về du lịch để nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu. Quy trình xin chủ trương đầu tư cũng được rút ngắn từ 5 đến 10 ngày làm việc.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, dù đạt được những kết quả nhất định trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhưng đến nay các DN đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở BR-VT vẫn chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý còn ít. Tính cạnh tranh và sự khác biệt của sản phẩm, dịch vụ chưa rõ nét. Du khách chưa có nhiều cơ hội “xài tiền” tại BR-VT.

Để nâng tính cạnh tranh cho du lịch, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm như: Vườn thú hoang dã Safari, KDL Núi Dinh, khu đô thị Tây Nam Bà Rịa, dự án Atlantis, khu đô thị Gò Găng, khu Bàu Trũng-Vũng Tàu, Côn Đảo. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng phần giải trí, ăn uống, mua sắm… kéo khách lưu lại lâu hơn.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA- KIM VINH

.
.
.