Nhận diện xu hướng du lịch thay đổi sau dịch để đón cơ hội
Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 đến nay, đợt dịch thứ 4 bùng phát và kéo dài một lần nữa ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch nội địa. Tuy nhiên, từ thực tế những đợt bùng nổ du lịch của năm 2020, các tổ chức du lịch kỳ vọng cơ hội bùng nổ trở lại sau đại dịch của Việt Nam rất lớn. Xu hướng du lịch của du khách cũng thay đổi để “sống chung” với dịch.
Vũng Tàu nằm trong top 10 điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất từ đầu năm đến nay. Trong ảnh: Bãi Sau vắng lặng những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. |
Nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch nội địa giảm mạnh
Theo dữ liệu từ Google Destination Insights (công cụ cung cấp thông tin chi tiết về điểm đến), từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4/2021 khi dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa tăng mạnh so với 3 tháng đầu năm cũng như so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng từ cuối tháng 4/2021 dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa nhanh chóng giảm mạnh và duy trì ở mức rất thấp đến tận thời điểm này. Điều này cũng phù hợp với số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch về lượng khách du lịch nội địa, cụ thể trong tháng 4/2021, khách du lịch nội địa đạt 9 triệu lượt, đến tháng 5 giảm xuống còn 3,5 triệu lượt, tháng 6 là 1,5 triệu lượt và tháng 7 chỉ có 0,5 triệu lượt.
Bên cạnh đó, nhu cầu tìm kiếm thông tin về cơ sở lưu trú du lịch trong thời gian này cũng tăng nhanh trong tháng 3, tháng 4, sau đó giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, có lúc giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong thực tế, sau đợt dịch thứ 4 bùng phát, ở các trung tâm du lịch lớn trên cả nước có tỷ lệ hủy phòng rất lớn, trên 90%, sau đó các cơ sở lưu trú du lịch phải đóng cửa hàng loạt. Một số cơ sở còn hoạt động chủ yếu phục vụ công tác cách ly, phòng chống dịch và một số hoạt động cầm chừng ở những nơi không có dịch bệnh. Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch về lượng khách du lịch nội địa có nghỉ qua đêm tại cơ sở lưu trú cũng sụt giảm mạnh, chỉ đạt 0,3 triệu lượt; nhu cầu tìm kiếm thông tin về hàng không từ tháng 5 đến nay cũng gần như chạm đáy, giảm tới 85% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đà sụt giảm đó, top 10 điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất là: TP.Hồ Chí Minh, Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc (Kiên Giang), Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (BR-VT), Qui Nhơn (Bình Định), Phan Thiết (Bình Thuận), Huế (Thừa Thiên Huế).
Báo cáo phân tích thị trường Việt Nam của Tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản Savills quý II/2021 cho biết, làn sóng dịch COVID-19 cuối tháng 4 đã đẩy công suất phòng quý II xuống còn 27%. Tuy nhiên, công suất thị trường vẫn tăng điểm nhẹ so với năm 2020 do nhiều khách sạn tầm trung được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có thu phí.
Kỳ vọng vào thị trường nghỉ dưỡng
Dù tương lai phía trước của ngành Du lịch vẫn khá ảm đảm nhưng các chuyên gia du lịch tin rằng, du lịch nghỉ dưỡng hứa hẹn nhiều triển vọng sau đại dịch. Nguồn cung khách sạn tăng lên cùng với sự tự tin từ việc triển khai tiêm vắc xin và kế hoạch thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin ở Phú Quốc sẽ là bước tiến quan trọng cho ngành du lịch thời gian tới.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, nhiều hy vọng cho sự trở lại của ngành Du lịch khi việc triển khai tiêm vắc xin đang được Chính phủ đẩy nhanh, giúp du lịch quốc tế được mở cửa. Hiện nay, nhiều khách sạn đã đóng cửa và cho lao động ngừng việc. Một số ít khách sạn chỉ giữ lại 1/3 nhân viên. Nhiều lao động du lịch đã dịch chuyển sang những lĩnh vực khác. Do vậy, khi mở cửa trở lại thiếu hụt nhân lực chắc chắc sẽ xảy ra. Nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang gặp khó khăn sau khi mở cửa trở lại do thiếu hụt nhân viên và chuỗi cung ứng. Việt Nam hoàn toàn có thể trải qua khó khăn tương tự. Vì vậy, đòi hỏi thị trường trong nước cần có sự chuẩn bị cẩn trọng ngay từ bây giờ.
Giới chuyên gia cũng dự đoán xu hướng du lịch bùng nổ hậu COVID-19 là du lịch trong khoảng cách gần, trải nghiệm dịch vụ tại địa phương hoặc những vùng lân cận, khám phá những điều thú vị ngay nơi sinh sống mà trước đây đã bỏ qua. Bên cạnh đó, du lịch chăm sóc sức khỏe phục hồi thể chất và tái tạo tinh thần, nghỉ dưỡng cùng gia đình, bạn bè tại những nơi hoang sơ, dịch vụ tốt, hạn chế tập trung đông người cũng sẽ tiếp tục được lựa chọn. Tất cả mọi thủ tục từ tìm kiếm điểm đến, đặt dịch vụ, chi trả phí… đều tiến hành từ xa tận dụng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc nhằm phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.
Từ những phân tích trên, giới chuyên gia du lịch cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các điểm đến. Cụ thể, quy trình phòng dịch vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt. Khâu đánh giá, kiểm soát rủi ro từ nguồn khách tiếp tục chặt chẽ. Song song đó, các khách sạn phải tăng đầu tư nâng cấp theo hướng tạo không gian xanh, trong lành, ứng dụng công nghệ, tự động hóa quy trình tại quầy làm thủ tục, quầy lễ tân, check in điện tử, thanh toán điện tử...
Bài, ảnh: MINH HƯƠNG