.
NGÀNH DU LỊCH

Đào tạo nhân lực chờ cơ hội hồi phục

Cập nhật: 21:46, 28/05/2021 (GMT+7)

Dịch COVID-19 đã tác động lớn đến ngành du lịch cả nước nói chung và BR-VT nói riêng. Song thay vì “đắp chăn nằm chờ”, ngành du lịch luôn chủ động tâm thế sẵn sàng khôi phục lại hoạt động du lịch ngay khi dịch được kiểm soát. Trong đó, công tác đào tạo nhân lực du lịch là nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu.

Một lớp tập huấn kỹ năng quảng bá du lịch trên không gian số do Sở Du lịch tổ chức cuối năm 2020.
Một lớp tập huấn kỹ năng quảng bá du lịch trên không gian số do Sở Du lịch tổ chức cuối năm 2020.

BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ

“Người tích cực và người tiêu cực khác nhau như thế nào”. “Thưa anh, người tích cực là người lạc quan, luôn suy nghĩ tích cực, chín chắn”; “Theo em, người tích cực luôn khởi động ngày mới bằng năng lượng tốt và truyền tải đến mọi người”; “Người tích cực bắt đầu một ngày làm việc có kế hoạch, mục tiêu cụ thể”; “Là người luôn tìm cách giải quyết mọi tình huống gặp phải theo chiều tốt lên”; “Người tích cực luôn tự tạo cho mình nguồn cảm hứng tốt và truyền tải, lan tỏa đến những người chung quanh”; “Đứng trước khó khăn, thất bại, người tích cực không than trách mà tìm hướng tháo gỡ”; “Người tiêu cực luôn xét nét, soi lỗi những người khác, chuyện nhỏ xé ra to”; “Người tiêu cực luôn so đo, tị nạnh, ganh ghét, đố kỵ với những người hơn mình”; “Gặp khó khăn người tiêu cực dễ chùn bước, chán nản”…

Đó là một trong vô vàn tình huống được ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) tỉnh gợi ý để học viên đồng thời là người lao động của khách sạn Bella Vita (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) tham gia ý kiến tại lớp bồi dưỡng văn hóa ứng xử trong kinh doanh và nghiệp vụ du lịch do HHDL tổ chức 2 ngày 27, 28/5. Sự tương tác giữa ông Hoàng Ngọc Linh và học viên giúp không khí lớp học sôi động, hào hứng.

Tham gia lớp học, bà Hoàng Vân, phụ trách nhân sự khách sạn Bella Vita chia sẻ, khách sạn có 39 lao động, trong đó hơn 38 lao động là người địa phương làm việc ổn định từ ngày mở cửa (năm 2016) đến nay. Tất cả lao động đều có bằng cấp chuyên môn về du lịch. Thế nhưng, kỹ năng mềm, thái độ với công việc… không phải ai cũng có. “Lớp học do HHDL tổ chức kịp thời trang bị thêm kiến thức, kỹ năm mềm, truyền động lực, niềm tin giúp người lao động thêm yêu và gắn bó với nghề du lịch trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa biết ngày kết”, bà Hoàng Vân nói.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng, công suất phòng tại khách sạn Malibu giảm hơn 90%. Thế nhưng, thay vì giảm bớt nhân lực, phân ca trực để giảm chi phí, khách sạn vẫn giữ nguyên bộ máy. Đến khách sạn Malibu những ngày này, tất cả hoạt động vẫn diễn ra bình thường, song toàn bộ tập trung cho công tác đào tạo. Tất cả các bộ phận theo chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ năng xử lý tình huống, ôn luyện nghiệp vụ, văn hóa giao tiếp, tiếng Anh… Bà Hà Gia Lệ, Tổng Quản lý khách sạn Malibu cho biết, không chỉ đợt dịch lần này mà trong suốt năm 2020, mỗi lần dịch COVID-19 bùng phát thay vì đóng cửa hoạt động cầm chừng, khách sạn Malibu lại tập trung cho công tác đào tạo nhằm nâng tính chuyên nghiệp và chất lượng nhân lực tương ứng với loại hạng sao, làm hài lòng và giữ chân khách.

Nhân viên bộ phận lễ tân khách sạn Malibu nhập vai xử lý  tình huống trong đón tiếp khách.
Nhân viên bộ phận lễ tân khách sạn Malibu nhập vai xử lý tình huống trong đón tiếp khách.

CHẤT LƯỢNG PHẢI CAO HƠN

Thời điểm này dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước. Thế nhưng từ thực tế tình hình du lịch của năm 2020, giới chuyên gia đều đánh giá chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát tích cực, du lịch BR-VT sẽ phục hồi nhanh, mạnh nhất so với tất cả các tỉnh, thành trên cả nước nhờ ưu thế biển và vị trí trung tâm khu vực Đông Nam bộ.

Tại cuộc họp về công tác đào tạo nhân lực du lịch diễn ra cuối tháng 4, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặt ra yêu cầu nhân lực du lịch trong giai đoạn mới, không chỉ đáp ứng được nhu cầu phục hồi ngành du lịch, mà phải được nâng cao chất lượng hơn. Làm sao đó khi khách đến sẽ thấy được nét riêng của BR-VT qua đội ngũ phục vụ, hướng dẫn viên du lịch, tài xế, người dân tham gia làm du lịch. Ông Lê Ngọc Khánh yêu cầu ngành du lịch cần chú trọng trang bị nhiều hơn nữa các kỹ năng “đối đầu” với các sự cố trong du lịch, dịch bệnh cho DN, lao động trong ngành.

Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch, nhìn thấy rõ vấn đề này, từ năm 2020, Sở Du lịch đã đón đầu bằng việc mở các lớp học ngắn hạn bồi dưỡng văn hóa giao tiếp ứng xử trong du lịch, hướng dẫn viên du lịch tại điểm, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá du lịch trên không gian số. Sở Du lịch cũng đã xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với các mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 38.000 lao động trong ngành du lịch; năm 2030 là 46.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch đạt từ 80-100%. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp; chú trọng hình thành lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng; tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ chuyên ngành du lịch có chất lượng cao.

Bà Hiền cho biết thêm, để thực hiện nhiệm vụ “kép” trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với HHDL và các trường nghề gắn nội dung đào tạo với thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo theo nhu cầu của DN, đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng.

Bài, ảnh: MINH HƯƠNG

 
.
.
.