Ở đây, cuộc sống thanh bình!
Dù đang “thay da đổi thịt” trở thành một trong những điểm du lịch “hot”, song Côn Đảo vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ vốn có, cùng với nhịp sống mà nhiều du khách nhận xét: Ở đây, người ta sống khác!
Đường Tôn Đức Thắng, huyện Côn Đảo yên bình vào sáng sớm. |
Lần đầu đến Côn Đảo, tôi đã có một ngày trải nghiệm cuộc sống thường nhật đầy thú vị. Côn Đảo có nhiều phương tiện di chuyển, gồm xe taxi, xe điện, xe đạp, với mức giá cũng rất vừa phải. Tuy nhiên, để cảm nhận được hết vẻ đẹp và tận hưởng không khí trong lành hiếm nơi nào có được, chúng tôi chọn phương án thuê một chiếc xe máy, theo gợi ý của anh bạn đồng nghiệp người bản địa.
QUÁ KHỨ HÀO HÙNG
Mờ sáng, không khí Côn Đảo se lạnh. Con đường Tôn Đức Thắng men theo bờ biển, đoạn từ bãi Lò Vôi đến cầu tàu 914 lác đác một số người đi bộ thể dục, vừa đi vừa trò chuyện. Dưới bãi, vài người tắm biển sớm. Các quán cà phê dọc đường cũng lách cách ly tách chuẩn bị đón khách. Tôi ghé quán cà phê Côn Sơn, chọn chỗ ngồi cạnh gốc bàng cổ thụ hướng mặt ra đường để vừa nhâm nhi cà phê, vừa quan sát nhịp sống chậm rãi sáng sớm.
Trời sáng hẳn, người, xe qua lại nhiều hơn. Ai việc nấy, cán bộ, công chức đến công sở. Quán hàng bán mua nhộn nhịp hơn. Hòa cùng dòng khách du lịch, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Côn Đảo.
Với đa số khách du lịch, địa điểm đầu tiên họ viếng thăm là Nghĩa trang Hàng Dương. Đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước. Trong đó, có những anh hùng như Lê Hồng Phong, Cao Văn Ngọc và “cô Sáu” như cách gọi thân mật của người dân địa phương. Không chỉ có du khách, nhiều người dân Côn Đảo giữ thói quen vào thắp cho các cô, chú những nén hương rồi mới bắt đầu làm việc. Trước anh linh của những người đã ngã xuống, ai nấy kính cẩn nghiêng mình ghi nhớ công ơn và cùng cầu mong cho gia đình may mắn, bình an.
Sau khi viếng nghĩa trang Hàng Dương, tham quan bảo tàng, nhà Chúa đảo, chúng tôi dành phần lớn thời gian để tìm hiểu về các trại giam trong quần thể di tích nhà tù Côn Đảo gồm: Phú Hải, chuồng cọp Pháp (trại Phú Tường), chuồng cọp Mỹ (trại Phú Bình). Qua giọng nói truyền cảm của nữ hướng dẫn viên trẻ, khách tham quan trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ đau buồn, đến cảm phục và biết ơn sự hy sinh xương máu và tinh thần bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng để mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Nguyễn Bích Trang, sinh viên đến từ Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh bày tỏ xúc động: “Tôi đã đọc, đã xem nhiều về nhà tù Côn Đảo, nhưng khi đến đây tôi mới cảm nhận được hết những đớn đau, khổ cực mà thế hệ trước phải chịu đựng. Tôi rất cảm phục sự anh dũng và tinh thần hy sinh vì Tổ quốc của họ”.
CUỘC SỐNG THANH BÌNH
Kết thúc hành trình thăm viếng di tích là thời điểm để tận hưởng không khí trong lành và hòa vào nhịp sống thanh bình tại Côn Đảo.
Thời tiết tháng 3 ở Côn Đảo rất dễ chịu. Gần trưa nhưng nắng không quá gắt, không khí mát mẻ. Trên chiếc xe máy, tôi lang thang hết những cung đường đẹp như tranh vẽ, khám phá các địa danh tuyệt đẹp của Côn Đảo. Theo đường ven biển về phía nam, tôi băng qua những thắng cảnh Bãi Đá Trắng, Mũi Cá Mập, Đỉnh Tình Yêu… và vịnh Bến Đầm.
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Bến Đầm tựa bức tranh thủy mặc. Xa xa những ngọn núi xanh thẳm thoai thoải, dưới chân là biển cả bao la, cùng màu xanh ngọc bích. Đây cũng là nơi neo đậu của tàu cá khắp cả nước khi ghé Côn Đảo. Nhiều tàu cập bến xuống hải sản sau chuyến vươn khơi. Cá thu, mực chứa trong những cần xé cỡ đại được chuyển lên bờ. Xe đông lạnh, thương lái nối đuôi vào bốc hàng. Trên bến dưới thuyền đông vui như hội.
Ngư dân trúng mẻ cá lớn. |
Quang cảnh càng thêm nhộn nhịp khi tàu cao tốc chở khách từ Vũng Tàu ra Côn Đảo cập cảng. Hàng trăm du khách nối đuôi nhau xuống bến, ngạc nhiên, trầm trồ, chụp ảnh bên những khoang tàu đầy ắp hải sản. Nhiều người nhanh chóng lựa mua những mớ hải sản tươi rói, chuẩn bị cho bữa tối.
Ngư dân Nguyễn Văn Năm, người có nhiều năm đánh cá ở vùng biển Côn Đảo cho biết, do có độ sâu lý tưởng nên nhiều năm qua, cảng Bến Đầm là cửa ngõ của Côn Đảo. “Trước đây, có ít tàu ra đảo, bây giờ thì nhiều loại tàu hơn, chở khách từ nhiều nơi khác nhau ra Côn Đảo nên bến cảng cũng sôi động hơn nhiều”, ông Năm chia sẻ.
Rời Bến Đầm, tôi tiếp tục khám phá các cung đường còn hoang sơ ở Côn Đảo như đường Cỏ Ống nối từ trung tâm thị trấn đến sân bay Côn Đảo. Đặc biệt, cung đường Tây Bắc vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 là công trình mang nhiều giá trị về giao thông, kinh tế, an ninh quốc phòng. Công trình góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vòng quanh đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ sân bay Cỏ Ống ra cảng Bến Đầm. Về du lịch, việc đầu tư đường Tây Bắc sẽ tạo điều kiện để đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái, đặc biệt là các thắng cảnh phía Tây Bắc Côn Đảo. Đồng thời, tạo điều kiện tốt hơn trong quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển rừng.
“Phượt” một vòng quanh Côn Đảo, trời đã xế chiều. Theo chỉ dẫn của anh bạn đồng nghiệp, tôi tìm đến chợ Côn Đảo để thưởng thức đặc sản. Giống với các chợ huyện ở đất liền, chợ Côn Đảo họp vào sáng sớm và chiều muộn. Đang mùa du lịch nên chợ rất tấp nập, nhất là các gian hàng hải sản. Khách đến, khách đi, ngã giá ồn ào nhưng người mua-người bán đều vui vẻ, nụ cười thường trực trên môi. Một số hàng quán còn chế biến tại chỗ theo yêu cầu.
Không chỉ cảnh sắc thiên nhiên mà con người huyện đảo cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách. Người dân Côn Đảo luôn thân thiện, dễ gần, với nụ cười thường trực trên môi. Du khách chắc chắn sẽ ấn tượng với nữ lễ tân ở khách sạn bình dân nhiệt tình hướng dẫn du khách từng tí một, hay một nhân viên phục vụ ở một địa điểm nghỉ dưỡng cao cấp. Từ một tài xế xe điện luôn cười tươi chào hỏi người đi đường cho đến một chàng trai trẻ bán những đóa sen tự bó rất đẹp ở chùa vẫn mỉm cười cảm ơn khi du khách từ chối mua hàng. Một cô bán cơm tấm liên tục hỏi thăm, đề nghị lấy thêm cơm và nhấn mạnh “không lấy tiền” cho một vị khách lạ. Hay bác xe ôm dùng 10 phút đồng hồ hướng dẫn đường đến các địa điểm đẹp của Côn Đảo dù biết du khách sẽ không sử dụng dịch vụ của mình… |
Rời chợ Côn Đảo, mặt trời sắp tắt nắng. Lúc này, bờ kè đường Tôn Đức Thắng trở thành điểm hẹn hóng gió, thư giãn của du khách và người dân địa phương. Tôi cũng chọn một chỗ để cảm nhận rõ hơn nhịp sống chậm rãi của nơi này. Trên bờ kè, người cha trẻ ôm con gái vào lòng hóng mát ngắm hoàng hôn trên biển. Vài ba chị bán hàng rong hay vài anh tài xế chưa vội về nhà sau ngày lao động mà ngồi lại kể cho nhau nghe những câu chuyện không đầu không cuối.
Bài, ảnh: QUANG VINH