Săn ảnh cùng cúc chi
Cuối tháng 12, những luống cúc tiến vua dùng làm dược liệu nở rộ hai bên đường làng Nghĩa Trai thu hút nhiều người tới săn ảnh mùa hoa vàng.
Những luống hoa cúc chi nằm san sát bên đường là khung cảnh đặc trưng mà du khách sẽ có nhiều tấm hình đẹp khi đặt chân đến nơi đây. |
Những luống hoa nằm san sát là khung cảnh đặc trưng của đoạn đường qua thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 30km.
Cúc chi là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân làng dược liệu phố Hiến (Hưng Yên). Hoa được trồng từ khoảng cuối tháng 7 âm lịch, ban đầu cây non nhỏ bằng ngón tay. Sau 2 tháng khi cúc lên cao, người dân hái ngọn để cây ra thêm nhánh, thu được nhiều hoa hơn.
Người dân thu hoạch ngay lúc hoa nở rộ, không còn nụ nhưng chưa tàn. Trong mùa hoa, có những gia đình phải thuê cả chục người hái cùng lúc để thu được sản phẩm đạt chất lượng. Mùa cúc chi kéo dài khoảng 20 ngày, thường vào Tết dương lịch. Chỉ có hoa cúc trồng ở đây mới tạo ra vị đặc trưng và sản lượng lớn. Nhiều nơi đã đưa hoa về trồng thử nhưng nở to như cái chén, không mùi hương.
Cúc chi (hay kim cúc, hoàng cúc) còn có tên gọi khác là “cúc tiến vua” bởi ngày xưa, loài hoa có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, mát gan được lựa chọn để dâng lên vua chúa. Cách sử dụng cúc chi phổ biến là pha trà uống hoặc làm dược liệu cùng các vị thuốc khác.
Mùa thu hoạch là lúc những ruộng cúc trở nên nhộn nhịp khi người dân cùng nhau hái hoa. Đây là công việc yêu thích của họ, đồng thời mang tới thu nhập. Một người có thể hái được 20-30kg hoa mỗi ngày. Cúc tươi bán tại chỗ có giá khoảng 50.000 đồng/kg.
Nếu khởi hành từ Hà Nội, du khách đi qua cầu Vĩnh Tuy đến Quốc lộ 5 để tới thị trấn Như Quỳnh. Từ đây, du khách rẽ theo hướng chợ Như Quỳnh rồi đi khoảng hai km là tới cánh đồng hoa thôn Nghĩa Trai.
HUỲNH PHƯƠNG