An toàn cho người tắm biển nhờ phao khoanh vùng
Để bảo đảm an toàn cho người tắm biển, ngoài việc cắm cờ hiệu, biển báo nguy hiểm, phao cứu sinh, ca nô, bố trí cứu hộ trực trên bãi tắm, một số DN, địa phương đã lắp đặt phao giới hạn vùng tắm biển.
Một dây phao khoanh vùng tắm biển được người kinh doanh trang bị tại bãi tắm khu vực Mộ Cô (Long Hải, Long Điền). |
Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên biển động, sóng lớn. Ngoài bố trí thêm cứu hộ, mỗi lần có khách xuống tắm biển, ông Phạm Lâm, kinh doanh bãi tắm khu vực Mộ Cô (TT. Long Hải, huyện Long Điền) đều nhắc khách chỉ tắm trong vùng có dây phao giới hạn. Ông Phạm Lâm cho biết, khu vực này có nhiều đá ngầm, lo ngại khách mải mê tắm biển sẽ va vào đá, ông đã trang bị dây thừng có gắn thêm phao nhựa và cờ hiệu khoanh vùng chiều dài hơn 100m bờ biển. Dây phao được ông cố định 2 đầu và phần giữa bằng những sọt đá lớn chôn sâu xuống cát. Vài ngày, ông lại dịch chuyển phao ra xa hơn hay kéo sát bờ tùy thuộc mùa gió, dòng chảy, kết hợp kiểm tra, thay thế những phao bị hư, làm vệ sinh, cạo rêu, hàu, nhuyễn thể bám vào dây phao. “Nhìn thủ công vậy nhưng hiệu quả rất lớn, người tắm biển tắm trong vùng có dây phao, cứu hộ dễ dàng quan sát, nhận biết và kịp thời cứu vớt người bị trôi phao, lật phao hoặc gặp sự cố khi đang tắm biển, nhờ vậy chưa có trường hợp tai nạn nào đáng tiếc xảy ra”, ông Phạm Lâm nói.
Cuối năm 2017, Ban quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo cũng lắp đặt 1.200m dây phao khoanh vùng tắm biển tại bãi tắm trung tâm Côn Sơn (đường Tôn Đức Thắng). Ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Ban quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo cho hay, đây là bãi tắm công cộng chính của Côn Đảo. Người dân và du khách lưu trú trong trung tâm tập trung về đây tắm biển rất đông, nhất là buổi sáng và chiều tối.
Người dân tắm biển trong vùng được khoanh phao. |
Trước đây, ca nô chở khách du lịch tham gia các hoạt động sinh thái biển, tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo thường đi vào vùng biển này đón trả khách gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người tắm biển. Từ khi Ban quản lý KDL Quốc gia lắp đặt hệ thống dây phao khoanh vùng tắm biển, ngăn ca nô không vào được, bãi tắm sạch hơn, an toàn hơn. Bên cạnh đó, người dân, du khách bơi ra xa hoặc bị sóng cuốn tuột phao, có thể bám vào hệ thống phao an toàn lấy sức bơi vào bờ hoặc chờ lực lượng cứu hộ ứng cứu. “Trong điều kiện lực lượng cứu hộ của Ban mỏng (7 người), nhưng phải bao quát tất cả các bãi tắm công cộng trên địa bàn, việc lắp đặt phao khoanh vùng tắm biển 2 năm qua đã phát huy tác dụng cảnh báo, hướng dẫn người tắm biển trong vùng an toàn, hỗ trợ lớn cho công tác cứu hộ cứu nạn, góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước cho người tắm biển”, ông Nguyễn Xuân Dũng nói.
Một bãi tắm cũng ghi nhận hiệu quả kéo giảm tai nạn đuối nước từ khi có dây phao khoanh vùng tắm biển là bãi tắm trước Niết Bàn Tịnh Xá (đường Hạ Long, TP. Vũng Tàu). Theo ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Ban Quản lý các KDL TP. Vũng Tàu, người tắm biển tại khu vực này rất đông. Mặt biển tuy êm nhưng phía dưới có đá ngầm và dòng hải lưu ngầm. Từ năm 2016 về trước, năm nào khu vực này cũng xảy ra từ 1 đến 2 vụ đuối nước thương tâm. Năm 2017, người dân tự trang bị dây phao khoanh vùng tắm biển an toàn. Từ đó đến nay, không ghi nhận trường hợp đuối nước nào. Người dân, du khách tắm biển có thêm điểm tựa khi tắm ở đây. “Sáng nào tôi cũng bơi 20 vòng ở bãi tắm trước Niết Bàn Tịnh Xá. Hệ thống dây phao là điểm tựa giúp tôi lấy sức sau mỗi lần bơi ra và nhận biết vùng bơi an toàn để không gặp nguy hiểm khi bơi”, bà Nguyễn Thị Huyền (ở đường Nguyễn Hiền, phường 2, TP. Vũng Tàu) cho hay.
Phát huy hiệu quả của phao khoanh vùng tắm biển tại bãi tắm trung tâm Côn Sơn, từ nay đến cuối năm, huyện Côn Đảo sẽ lắp đặt thêm 1.400m phao khoanh vùng tắm biển ở bãi Đầm Trầu. Đại diện Ban quản lý các KDL Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc cũng nhân rộng phao khoanh vùng tắm biển, vận động các KDL, bãi tắm tự trang bị hệ thống phao khoanh vùng, tăng cường cứu hộ và phương tiện cứu đuối nhằm bảo đảm an toàn cho người tắm biển. |
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, việc lắp đặt phao tiêu khoanh vùng bờ biển ở một số DN, địa phương bước đầu đã kéo giảm tai nạn đuối nước, giảm bớt kinh phí đào tạo, mua sắm trang thiết bị cứu hộ, nâng ý thức tắm biển an toàn nơi du khách. Để có đánh giá khoa học toàn diện về các vùng biển và nâng tính ứng dụng của hệ thống phao thêm các chức năng như: tự động điều chỉnh độ xa gần bờ theo thủy triều, có lưới ngăn rác thải dạt vào bờ… Sở Du lịch đã đặt hàng Sở KH-CN nghiên cứu thí điểm ứng dụng lắp đặt phao tiêu khoanh vùng bờ biển an toàn cho khách du lịch tại các bãi biển trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Hội đồng tư vấn Sở KH-CN đang tuyển chọn ý tưởng tư vấn phù hợp, sau đó sẽ đề xuất UBND tỉnh triển khai thí điểm. Dự kiến sẽ lắp đặt tại khu vực biển Bãi Sau và sẽ nhân rộng ra các vùng biển khác trên toàn tỉnh.
“Trong khi chờ Sở KH-CN thực hiện quy trình tuyển chọn đề tài phù hợp, Sở Du lịch cũng khuyến khích các DN, cá nhân đang kinh doanh bãi tắm tự trang bị thêm các phương tiện phục vụ công tác cứu đuối, phao khoanh vùng tắm biển và bố trí thêm lực lượng cứu hộ, nhất là thời điểm mùa hè khách đông”, ông Trịnh Hàng nói.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA