.

Lên hải đăng ngắm Vũng Tàu

Cập nhật: 07:30, 12/04/2019 (GMT+7)

Một buổi chiều đẹp trời, tôi chạy xe lên núi Nhỏ để được nhìn tận mắt ngọn hải đăng Vũng Tàu và ngắm phong cảnh hùng vĩ của thành phố biển từ đỉnh tháp hải đăng.  

Hải đăng là địa điểm du lịch ngắm cảnh tuyệt đẹp tại TP. Vũng Tàu. Ảnh: VIETFUNTRAVE
Hải đăng là địa điểm du lịch ngắm cảnh tuyệt đẹp tại TP. Vũng Tàu. Ảnh: VIETFUNTRAVE

Ngày mới đến Vũng Tàu, gia đình nhỏ của tôi gồm hai vợ chồng và cậu con trai gần năm tuổi được cơ quan cho ở tạm 2 căn phòng trên tầng 4 của trụ sở làm việc. Đó là tòa nhà lầu thuộc loại hiếm ở Vũng Tàu thời ấy.

Phòng ngủ của gia đình tôi có cửa sổ rộng gần 2 mét nhìn về phía ngọn hải đăng Vũng Tàu trên núi Nhỏ. Đêm đêm, gió biển lồng lộng. Nằm trên giường tôi  thao thức ngắm luồng ánh sáng hải đăng như ánh sao băng tạt qua cửa sổ theo chu kỳ hơn 10 giây một lần. Tôi mường tượng về những con tàu lênh đênh trên biển đang dõi theo ngọn hải đăng để xác định hải trình giữa đại dương mênh mông. Đó cũng là kỷ niệm khó quên của tôi về những ngày đầu  lập nghiệp ở Vũng Tàu.

Nhiều năm trôi qua. Tôi đã trở thành công dân cựu trào của thành phố biển, có nhà riêng ở trung tâm thành phố. Căn hộ đầu tiên gia đình tôi tá túc khi mới đến Vũng Tàu nay đã trở thành giảng đường của Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Người dân đi bộ lên ngọn hải đăng Vũng Tàu. Ảnh: PHÚC LƯU
Người dân đi bộ lên ngọn hải đăng Vũng Tàu. Ảnh: PHÚC LƯU

Một lần, anh bạn là nghệ sĩ nhiếp ảnh, cho tôi xem bức hình chụp toàn cảnh Vũng Tàu. Rồi anh kể, bức hình này chụp rất công phu từ trên ngọn hải đăng Vũng Tàu ở núi Nhỏ. Nghe lời anh kể, ký ức đầu tiên của tôi về ngọn hải đăng lại hiện về. Qua những tư liệu địa chí Vũng Tàu tôi được biết, hải đăng trên núi Nhỏ là một trong những ngọn hải đăng cổ xưa nhất trong số 79 hải đăng ở lãnh thổ Việt Nam. Với bề dày lịch sử, với hình dáng uy nghiêm hùng vĩ, có thể coi hải đăng là biểu tượng đặc sắc của TP. Vũng Tàu.

Năm 1862, ngay sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ, người Pháp đã xây Hải đăng Vũng Tàu trên núi Nhỏ ở độ cao 147m. Năm 1913 hải đăng được dời lên độ cao 170m so với mực nước biển. Tháp hải đăng hình trụ, sơn màu trắng, cao 18m, đường kính 3m, kiến trúc theo phong cách phương Tây. Ở độ cao này, hải đăng Vũng Tàu có thể chiếu xa 35 hải lý (khoảng 55km). 

Một buổi chiều đẹp trời, tôi chạy xe lên núi Nhỏ để được nhìn tận mắt ngọn hải đăng. Con đường lên núi trải nhựa rộng rãi, uốn lượn vòng vèo theo triền núi. Ven đường, cây cối rậm rạp trùm bóng mát rượi. Thi thoảng, tôi lại gặp một tốp người đi bộ mải miết leo dốc. Họ là những người dân Vũng Tàu có thói quen leo núi tập thể dục vào các buổi chiều.

Khoảng 30 phút sau, tôi đã lên tới đỉnh tháp hải đăng. Đứng trên ban công tòa tháp phóng mắt nhìn quanh, tôi cảm thấy choáng ngợp bởi phong cảnh phóng khoáng hùng vĩ của thành phố biển. Ngay dưới chân tháp là cánh rừng hoa sứ hàng chục năm tuổi tỏa hương ngào ngạt. Nhìn về phía đông nam là tượng Chúa giang tay. Xa hơn nữa là núi Minh Đạm đang vươn mình trườn về phía đại dương. Phía nam và tây nam là cửa biển Cần Giờ, những con tàu lừng lững hiện ra trong màu xanh thẫm của mặt biển buổi chiều tà. 

TP. Vũng Tàu giống như một bức tranh sơn dầu vẽ theo phong cách hiện đại. Những mảng màu xanh, trắng của núi, của nhà cao tầng, xen giữa những hàng cây, những đường phố kẻ ô vuông chằng chịt, những bãi tắm hình cánh cung chạy dài tít tắp… Núi Lớn cùng với núi Nhỏ nối tiếp nhau như bức tường thành uốn mình che chắn thành phố giữa muôn trùng sóng gió đại dương…

Tôi xuống núi khi hoàng hôn xuống. Chân trời phía tây ánh lên màu vàng nhạt. Những con tàu biển đã lên đèn. Sóng biển lung linh dào dạt. Thành phố cũng đã lên đèn. Trời nước, núi non hòa quyện tạo ra hiệu ứng sắc màu mông lung huyền diệu như không gian kỳ ảo trong những câu chuyện thần tiên.

TRẦN QUANG VINH

.
.
.