.

Nét đẹp văn hóa trong lễ hội trùng cửu

Cập nhật: 18:52, 11/10/2018 (GMT+7)

Đi du lịch Vũng Tàu vào tháng 9 Âm lịch, du khách có cơ hội tham dự Lễ hội Trùng Cửu tại Nhà Lớn Long Sơn (thôn 5, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu). Đến với lễ hội, khách không chỉ được khám phá không gian kiến trúc cổ độc đáo của Nhà Lớn, mà còn được tìm hiểu về một tín ngưỡng dân gian đậm tính nhân văn.

MỞ CỬA ĐÓN NGƯỜI HOẠN NẠN

Ông Lê Văn Mai, hậu duệ đời thứ 4 của ông Trần (bìa trái) kể về ý nghĩa của Lễ hội Trùng Cửu cho các SV Khoa Du lịch, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh. 
Ông Lê Văn Mai, hậu duệ đời thứ 4 của ông Trần (bìa trái) kể về ý nghĩa của Lễ hội Trùng Cửu cho các SV Khoa Du lịch, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh. 

Mới đây, 40 SV năm 2 Khoa Du lịch, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh đã có chuyến đi thực tế tại Nhà Lớn Long Sơn. Sau khi tham quan một vòng Nhà Lớn, tìm hiểu kiến trúc nhà gỗ xưa, các SV ngồi quanh bàn tiếp khách ở Lầu Dài nghe ông Lê Văn Mai, 72 tuổi, hậu duệ đời thứ 4 của ông Trần (tức ông Lê Văn Mưu, người có công khai hoang, mở đất tại xã đảo Long Sơn và xây dựng nên Nhà Lớn) kể về lịch sử, phong tục sinh hoạt và nét đẹp văn hóa đặc sắc của Lễ hội Trùng Cửu.

Trong bộ đồ bà ba đen giản dị, tóc búi củ hành, đôi chân trần, nét mặt tươi vui, nụ cười hiền hậu, bằng giọng đầy tự hào, ông Mai cho biết về gia tộc trải qua 7 đời vẫn giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Ông Mai kể: Ông Lê Văn Mưu (1855-1935), quê ở tỉnh Hà Tiên (cũ), nay là tỉnh Kiên Giang. Năm 1900, ông đến đảo Long Sơn khai phá đất đai làm ruộng muối, ruộng lúa và đánh bắt hải sản. Nhận thấy đây là vùng đất lành, làm ăn ổn định, để tính chuyện an cư lâu dài, ông xin phép chính quyền được quy dân lập ấp và đã vận động nhiều người dân từ các tỉnh miền Tây Nam bộ về đây sinh sống, làm ăn.

Năm Giáp Thìn (1904), một trận bão lớn đã gây thiệt hại nặng ở miền Tây Nam bộ, khiến hàng ngàn người rơi vào cảnh nhà cửa tan hoang, nghèo đói. Hay tin, ông Lê Văn Mưu đã cho người chở gạo về cứu đói cho dân và đưa những người không có nhà cửa về Long Sơn cưu mang, cấp đất cho họ làm ruộng. Phần vì cảm mến trước hành động nghĩa hiệp của ông, phần thì thấy đảo Long Sơn là nơi yên ổn, dễ làm ăn, nên nhiều người đã rủ nhau đến đây lập nghiệp, khiến nơi này ngày càng thêm đông đúc.

“Ông đồ” viết liễn trang trí tại Nhà Lớn nhân Lễ hội Trùng Cửu. 
“Ông đồ” viết liễn trang trí tại Nhà Lớn nhân Lễ hội Trùng Cửu. 

Sau khi ông Lê Văn Mưu qua đời, để tưởng nhớ công ơn của ông, con, cháu và cư dân trên đảo tổ chức hai lễ lớn hàng năm: Lễ Vía Ông (các ngày 18, 19, 20 tháng 2 Âm lịch) và Lễ hội Trùng Cửu (các ngày 7, 8, 9 tháng 9 Âm lịch). Trong đó, Lễ hội Trùng Cửu, ngoài ý nghĩa tưởng nhớ ông Trần còn là dịp để cầu bình an, sức khỏe và may mắn cho mọi người dân. Trong những ngày diễn ra lễ hội, các dãy nhà cổ trong khuôn viên Nhà Lớn được trang trí 500 câu liễn đỏ là những lời răn dạy làm người, châm ngôn về cuộc sống. 

Lễ hội Trùng Cửu diễn ra với nghi thức cúng tiên thường (kỉnh mặn) và chánh giỗ (kỉnh chay) với bánh, trái cây, xôi, chè. Không rình rang, không cờ phướn, chiêng trống, đám rước như các lễ hội khác, nhưng Lễ hội Trùng Cửu được tổ chức trang trọng và chu đáo, mang nét đẹp văn hóa bình dị của tín ngưỡng ông Trần. Mỗi dịp Lễ hội Trùng Cửu, Nhà Lớn đón hàng chục ngàn lượt khách đến từ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Long An, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Cà Mau… về dâng hương, chiêm bái, cầu an, tham quan Nhà Lớn. Khách đến dự lễ được phục vụ ăn, uống, nghỉ ngơi miễn phí.

GIỮ GÌN NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG

Ngạc nhiên vì Lễ hội Trùng Cửu thu hút đông du khách, lại phục vụ ăn, uống miễn phí, Nguyễn Anh Tuấn - SV năm 2 khoa Du lịch, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh, hỏi: “Thưa ông, lượng khách đông như vậy, làm sao Nhà Lớn phục vụ kịp?”. Ông Mai từ tốn cho hay: Sinh thời, ông Trần sống giản dị, khiêm nhường, truyền dạy cho con cháu những điều tốt đẹp về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, sống đoàn kết, vì cộng đồng. Tinh thần cộng đồng đó được con cháu đời sau tiếp nối, gìn giữ, đặc biệt là trong các dịp lễ hội. Do đó, người dân Long Sơn, từ già, trẻ, gái, trai đều tự nguyện đến giúp việc cho Nhà Lớn. Như dịp Lễ hội Trùng Cửu năm nay, 375 người đàn ông gọi là “Hầu phiên”, “Vô phiên” đã đăng ký đến giúp việc công quả tại Nhà Lớn. Ban điều hành Nhà Lớn phân chia họ trực, hướng dẫn, tiếp đón khách, dâng lễ, cúng cơm. Ngoài ra, 200 người là các chị, bà cũng đã đăng ký lo việc nội trợ, nấu nướng phục vụ khách.

Đông đảo khách về dự Lễ hội Trùng Cửu năm 2017. 
Đông đảo khách về dự Lễ hội Trùng Cửu năm 2017. 

Chăm chú lắng nghe, ghi chép, sinh viên Trần Thị Mai nhận xét: “Lễ hội Trùng Cửu khá hấp dẫn, là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ, quảng bá để nhiều người biết đến hơn. Cách tiếp đón, hướng dẫn của các ông, bà ở Nhà Lớn thật gần gũi, chân thành khiến em thấy rất thoải mái và thích thú”.

Đến với Lễ hội Trùng Cửu, thắp nén tâm hương tưởng nhớ ông Trần, du khách đến tìm hiểu kiến trúc nhà gỗ xưa, được tham quan các hiện vật quý hiếm có niên đại hàng trăm năm tuổi đang trưng bày tại đây, như: bộ bàn ghế bát tiên, bộ tủ cẩn xà cừ, những câu đối, hoành phi, câu liễn… Đồng thời được dịp tìm hiểu, trải nghiệm lối sống cộng đồng của người dân Long Sơn. Trước khi rời Nhà Lớn, du khách còn có thể ghé chợ Long Sơn mua hải sản tươi, hoặc thưởng thức các món hải sản ngon miệng tại các nhà bè trên các nhánh sông ở Long Sơn.

Nhà Lớn Long Sơn là điểm di tích lịch sử - văn hóa, được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến. Vì vậy, các DN lữ hành trong và ngoài tỉnh thường xuyên đưa khách đến tham quan, đặc biệt là vào dịp Lễ hội Trùng Cửu. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Alpha Travel (số 14, Phan Đăng Lưu, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Hàng năm, công ty đã đưa nhiều đoàn khách trong và ngoài nước như: Úc, Nga, Pháp, Anh, Nhật Bản... đến tham quan Nhà Lớn và dự Lễ hội Trùng Cửu. Hầu hết du khách tỏ ra rất thích thú khi được tham dự một lễ hội độc đáo, giàu truyền thống văn hóa như vậy!”.

Bài, ảnh: THI PHONG

Lễ hội Trùng Cửu năm nay diễn ra từ ngày 15 đến 17-10 (tức từ ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng 9 Âm lịch) với các nghi thức: Lễ tiên thường (kỉnh mặn) và chánh giỗ (kỉnh chay) với bánh, trái cây, xôi, chè. Năm nay, lễ hội diễn ra vào các ngày đầu tuần, nên dự kiến khách đến dâng hương, cầu an tập trung đông vào 2 ngày nghỉ cuối tuần trước đó 13 và 14-10.

 

.
.
.