.
CẨM NANG DU LỊCH

Xử lý ra sao khi bị sứa cắn?

Cập nhật: 08:00, 01/06/2018 (GMT+7)

Những ngày qua, tình trạng khách tắm biển bị sứa cắn đã xảy ra tại một số bãi biển khiến nhiều người lo lắng, chuyến du lịch kém vui. Dưới đây là một số biện pháp xử lý khi bị sứa cắn.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), độc tố của sứa biển thường tập trung ở các xúc tu. Chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này đều rất nhỏ và có độc. Khi bị sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da người xâm nhập vào cơ thể. Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà gây rát da, mẩn đỏ và ngứa, đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi đến khó thở, buồn nôn, nôn khan, tim đập nhanh đều, huyết áp hạ.

Chúng ta cần nhanh chóng thực hiện những bước sau để xử lý khi bị sứa cắn:

Với trẻ nhỏ: Ba mẹ cần bình tĩnh, trấn an để trẻ bớt lo lắng, sợ hãi; hạn chế vận động vùng bị thương; nhanh chóng rửa vết thương bằng nước biển để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt. Không rửa bằng nước thường vì sẽ làm tổn thương nặng hơn. Có thể dùng dấm, ammoniac, cồn hoặc soda cũng phát huy tác dụng tốt. Nhanh chóng rửa vết thương bằng nước biển để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt. Trường hợp trẻ bị sốc phản vệ sau khi bị sứa cắn với các biểu hiện như ớn lạnh, lo sợ, hoảng hốt, xuất hiện các triệu chứng nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa trên da, phù mắt, phù môi, ngạt mũi…, cảm thấy khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt… cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Ngoài ra, dù bảo đảm sơ cứu nhưng vẫn cần theo dõi kỹ trong 8 giờ. Nếu trẻ còn đau hoặc xuất hiện bất cứ triệu chứng nào cần đến cơ sở y tế ngay.

Với người lớn: Người sơ cứu cần đeo găng tay hoặc quấn khăn, túi nilon… lấy các xúc tu hoặc tay sứa còn bám trên người ra khỏi nạn nhân. Nhanh chóng rửa vết thương bằng nước biển để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt (không rửa bằng nước ngọt hoặc nước nóng vì sẽ làm tổn thương nặng hơn). Loại bỏ các xúc tu hay phần cơ thể của vật cắn còn bám lại trên da. 

Pha dung dịch gồm 10 phần nước với 1 phần amoniac, dấm, soda hoặc bột ngọt, sau đó bôi vào vùng bị thương (nếu không có sẵn những chất trên có thể dùng chanh chà vào vết thương). 

Với cả người lớn và trẻ em, khi bị sứa cắn cần dùng vật có cạnh như que kem, muỗng, vỏ sò, dao hoặc bìa cứng cạo hoặc chà xát nhẹ lên vết thương để đẩy các tế bào phóng độc ra khỏi vết thương. Có thể chườm đá để giảm đau.  

Ngoài ra, có thể dùng một loại histamin bôi hoặc kem hydrocortison nhằm làm giảm ngứa, giảm sưng. Dân gian cũng dùng cây muống biển để trị sứa cắn: Sau khi loại bỏ các xúc tu trên da, hái vài lá muống biển, nhai nát rồi đắp vào phần da tiếp xúc với sứa, vùng da tổn thương sẽ lành rất nhanh.

AN HÒA

.
.
.