Triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia

Thứ Ba, 21/11/2023, 17:42 [GMT+7]
In bài này
.

Theo báo cáo của Bộ TN-MT, cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách để làm căn cứ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực cùng các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Từ kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, nhiều địa phương đã từng bước đưa cơ sở dữ liệu làm công cụ và nền tảng cho công tác quản lý đất đai, việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai cho người dân và doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã đạt các kết quả, nhưng đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Nhiều địa phương chưa ý thức được vai trò tích cực và hữu hiệu của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai đối với công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các địa phương sử dụng hệ thống phần mềm không đồng nhất, cũng như thủ tục đấu thầu lựa chọn thuê phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin kèm theo đang gặp khó khăn về bố trí kinh phí...

Các đơn vị chuyên môn kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ điều chỉnh thiết kế hệ thống theo Luật Đất đai (sửa đổi) và phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, dữ liệu là gốc, quan trọng nhất, vì vậy các đơn vị quản lý dữ liệu cần bảo đảm “làm sạch”, chuẩn hóa để tích hợp, vận hành trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đáp ứng “Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy” được quy định trong Luật Giao dịch điện tử 2023.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh đề nghị xây dựng một “Đề án xây dựng, vận hành, lưu giữ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai” (đề án). Từ đề án sẽ có sự tổng kết, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương về thực trạng sử dụng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai trong thời gian qua. Để bổ sung và hoàn thiện hơn cho đề án này, Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường cần có sự nghiên cứu, tham khảo các đối tác quốc tế để có sự phân tích đánh giá toàn diện, đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp, khi hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai sẽ bảo đảm được nghiệp vụ quản lý đất đai của cơ quan quản lý nhà nước, nhu cầu xử lý thủ tục hành chính về đất đai và nhu cầu khai thác thông tin trong xã hội; tiến tới áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) để từ số liệu cập nhật của các địa phương, hệ thống sẽ phân tích các mục tiêu chiến lược, khai phá dữ liệu về đất đai, hỗ trợ chỉ đạo điều hành, cung cấp các dịch vụ số về dữ liệu đất đai phục vụ phát triển, quản lý và nhu cầu sử dụng tại địa phương…

HỒNG ĐIỆP

;
.