Hợp tác chặn cuộc gọi "rác"!

Thứ Tư, 02/11/2022, 18:24 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày 1/11, Bộ TT-TT mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi quảng cáo (thường gọi là cuộc gọi rác), cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Bộ TT-TT kêu gọi sự hợp tác của người dùng điện thoại, nhằm giải quyết triệt để vấn nạn này.

Nhiều người dân phản ánh liên tục bị các cuộc gọi rác làm phiền.
Nhiều người dân phản ánh liên tục bị các cuộc gọi rác làm phiền.

Làm phiền cả ngày lẫn đêm

“Chị Hằng ơi, em bên công ty chứng khoán. Em muốn tư vấn cho chị. Chị có xài zalo số này không, em xin phép kết bạn với chị để chia sẻ thông tin?” - Đó là nội dung của một cuộc gọi vào giờ nghỉ trưa mà chị Nguyễn Thị Thu Hằng, nhân viên văn phòng tại một công ty xây dựng trên địa bàn TP. Vũng Tàu nhận được.

Chị Hằng cho biết, khoảng từ tháng 6/2022 đến nay, chị liên tục nhận các cuộc điện thoại rác, chào mời chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… “Công việc đòi hỏi tôi không được tắt điện thoại hoặc không trả lời các số máy lạ. Tôi thật sự rất khó chịu, khi các cuộc gọi rác tra tấn hàng ngày mà không thể ngăn chặn”, chị Hằng nói.

Còn anh Nguyễn Phương Bình, giám đốc một công ty dịch vụ giải trí trên địa bàn TX.Phú Mỹ kể, sau mỗi đêm ngủ dậy, anh nhận được nhiều tin nhắn quảng cáo gửi tới điện thoại. Từ tin quảng cáo của nhà mạng, tin nhắn từ các thương hiệu có đăng ký đến những nội dung như bán đất, cho vay qua mạng, các tin cá cược, chơi game, lừa đảo.

“Tin nhắn rác nhiều đã thấy phiền, nhưng phiền nhất là cuộc gọi rác vì nó khiến mình phải ngừng công việc. Cơ quan chức năng nói đã giám sát ngăn chặn, nhưng cá nhân tôi thấy, tình trạng này không hề giảm chút nào”, anh Bình nói.

Còn theo lời của chị Dương Thị Thu (nhà ở hẻm 100 Bình Giã, TP. Vũng Tàu), chị nhận được một cuộc gọi tư vấn bảo hiểm cho đứa con sắp chào đời. “Tôi thực sự ngạc nhiên, không hiểu vì sao thông tin cá nhân của tôi, bên bảo hiểm cũng nắm được. Ai đã để lộ thông tin ra ngoài?”, chị Thu bức xúc đặt câu hỏi.

Cuộc gọi rác là những cuộc gọi không mong muốn, gây phiền nhiễu người dùng, đa phần là những cuộc gọi chưa được định danh. Bộ TT-TT thừa nhận, thời gian qua, tình trạng cuộc gọi rác có chiều hướng tăng lên. Trong đó, nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Trong 9 tháng năm 2022, Tổng đài phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn (Tổng đài 5656) của Bộ TT-TT đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh. Trong đó, có 177.473 số lượt phản ánh cuộc gọi rác (tăng 34,2% so với năm 2021). Số lượt phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%.

Bộ TT-TT khuyến khích người dân báo các cuộc gọi rác, tin nhắn rác đến số 156.
Bộ TT-TT khuyến khích người dân báo các cuộc gọi rác, tin nhắn rác đến số 156.

Người dùng điện thoại cần chung tay

Thời gian qua, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) đã phối hợp với các nhà mạng, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để xử lý vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Từ năm 2020, các nhà mạng đã đồng loạt triển khai giải pháp kỹ thuật như: quản lý thông tin thuê bao di động, dừng phát hành thuê bao mới trên kênh phân phối, xử lý thuê bao ảo, thu hồi sim rác kích hoạt sẵn…

Sau những đợt cao điểm “truy quét”, đã có hàng trăm ngàn thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý, hàng triệu sim kích hoạt sẵn trên hệ thống phân phối bị thu hồi. Tuy nhiên, nhiều người dùng di động tại Việt Nam vẫn than phiền về vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Theo Sở TT-TT, mặc dù cơ quan quản lý và các nhà mạng đang rất nỗ lực trước vấn nạn cuộc gọi rác nhưng chỉ thế thôi là chưa đủ. Tỷ lệ phản hồi của khách hàng chính là căn cứ giúp nhà mạng xác định và chặn cuộc gọi rác. Người dùng cần chung tay cùng cơ quản lý nhà nước, các nhà mạng giải quyết câu chuyện này. 

Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cũng đề nghị người dân khi nhận được tin nhắn khảo sát của nhà mạng được gửi tới ngay sau khi các cuộc gọi có dấu hiệu nghi ngờ là cuộc gọi rác hãy chủ động phối hợp chọn phương án trả lời “Có” hoặc “Không” nhằm giúp các nhà mạng sàng lọc, xử lý chính xác những cuộc gọi vi phạm. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để giúp cơ quan quản lý có thông tin chính xác nhằm đưa ra chế tài quản lý phù hợp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phản ánh, bên cạnh đầu số 5656, Bộ TT-TT cùng các DN viễn thông đã thống nhất từ ngày 1/11/2022 sẽ mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động.

Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể phản ánh thông qua 2 hình thức.
Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) theo cú pháp: V [số điện thoại phát tán cuộc gọi rác][nội dung cuộc gọi rác] gửi 156 hoặc 5656. Hoặc V (số điện thoại phát tán cuộc gọi rác)(nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 hoặc 5656.
Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin theo hướng dẫn của điện thoại viên.

Theo đó, người dùng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam có thể phản ánh qua đầu số 156. Trong thời gian này, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục duy trì đầu số 5656 để tiếp nhận tin nhắn như hiện nay. Sau một thời gian khi lưu lượng phản ánh gửi đến Tổng đài 5656 giảm, Bộ TT-TT sẽ sửa lại các quy định để còn lại duy nhất đầu số 156 tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dùng.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.