Vi phạm phòng, chống dịch COVID-19 bị xử lý thế nào?

Thứ Ba, 03/08/2021, 07:34 [GMT+7]
In bài này
.
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, nhiều người đã có những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. Luật sư Nguyễn Đình Tân, Giám đốc Công ty luật Cộng Hòa đã thông tin cụ thể về một số hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt dưới đây.
Công an TP. Bà Rịa làm việc với người tung tin sai sự thật về dịch COVID-19.
Công an TP. Bà Rịa làm việc với người tung tin sai sự thật về dịch COVID-19.
Với tính chất nguy hiểm của đại dịch COVID-19, ngày 1/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg xác định dịch bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Do vậy người dân phải chấp hành nghiêm các quy định để hạn chế thiệt hại cho Nhà nước, người dân và xã hội.
Thời gian qua trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng có nhiều trường hợp không chấp hành quy định phòng, chống dịch và tỏ thái độ chống đội lực lượng chức năng làm nhiệm vụ khi được nhắc nhở. Hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trong phòng, chống dịch COVID-19 sẽ bị phạt tiền từ 2-3  triệu đồng đối với cá nhân. Cũng với hành vi này, tổ chức sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng (theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...).
Hành vi dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ hoặc gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức thì sẽ bị phạt từ 6-10 triệu đồng (theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...).
Mức độ nghiêm trọng, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có thể bị xử lý hình sự, theo Điều 330 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (tội chống người thi hành công vụ). Tùy tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc ra đường thuộc diện không cần thiết khi địa phương có quy định thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, sẽ dễ làm lây lan dịch bệnh cho người khác, đồng thời không bảo vệ được cho chính bản thân họ. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng (theo Khoản 1, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế).
Trường hợp vứt khẩu trang, các chất, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan dịch bệnh, cũng dễ làm lây lan dịch bệnh cho người khác, nên bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng (theo Điều 6, Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Trường hợp người dân không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền, cản trở và hạn chế công tác phòng chống dịch và gây nguy hại cho người khác và cho chính bản thân họ, sẽ bị xử phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng (theo Điều 7, Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Luật sư NGUYỄN ĐÌNH TÂN
(Giám đốc Công ty luật Cộng Hòa)
 
;
.