Ngừng ôm hôn giúp trẻ an toàn hơn trong mùa dịch

Thứ Ba, 28/04/2020, 22:52 [GMT+7]
In bài này
.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người lớn nên tạm gác lại thói quen ôm hôn trẻ trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 vẫn hiện hữu. Ngoài ra, vào thời điểm chuyển mùa, nắng nóng gia tăng, cần chú trọng giữ gìn vệ sinh cho trẻ nhiều hơn.

Bác sĩ Bệnh viện Vạn Phước, TP.Bà Rịa kiểm tra sức khỏe cho trẻ.
Bác sĩ Bệnh viện Vạn Phước, TP.Bà Rịa kiểm tra sức khỏe cho trẻ.

Nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Nhi khoa Pháp cho thấy, 80% trẻ nhiễm COVID-19 có nguồn lây là người trong gia đình. Tỷ lệ trẻ em nhiễm COVID- 19 tuy thấp hơn so với người lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là được phép chủ quan trong phòng chống dịch bệnh cho trẻ.

Theo bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Bà Rịa, trong quá trình chăm sóc, tiếp xúc với trẻ, người lớn có thể đưa virus từ bên ngoài vào lây nhiễm vào cơ thể trẻ. Do đó, các thành viên trong gia đình nên ngừng ngay những thói quen như ôm hôn, nựng trẻ. Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ, người lớn cần phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà bông, hoặc nước sát khuẩn; thường xuyên vệ sinh sạch vật dụng, đồ dùng, đồ chơi, tay nắm cửa để hạn chế sự lây nhiễm của COVID-19.

Thời điểm này đang trong giai đoạn chuyển mùa, nắng nóng gia tăng, trẻ cần được chú trọng hơn về vệ sinh cá nhân; không để trẻ quá nóng, ra nhiều mồ hôi. Các bậc cha mẹ cũng nên cho trẻ súc miệng hàng ngày bằng nước muối và vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý dạng xịt.

“Áp dụng tốt những biện pháp nói trên không chỉ giúp trẻ phòng ngừa được COVID-19 mà còn tránh được các dịch bệnh khác trong mùa nắng nóng này như tay chân miệng, thủy đậu, quai bị...”, bác sĩ Thắng khuyến nghị.

Với những trẻ dưới 2 tuổi cần cho trẻ uống sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Tuy nhiên, các bà mẹ cần chú ý khi trẻ trong độ tuổi từ tháng thứ 6 trở đi, nồng độ các kháng thể trong sữa mẹ giảm xuống. Do vậy, ngoài sữa mẹ, trẻ cần được tạo thêm kháng thể qua tiêm phòng vaccin, sử dụng một số thực phẩm để bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại được bệnh tật và duy trì sức khỏe tốt. Nếu có điều kiện, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng các loại sữa mà thành phần có chứa sữa non; các loại thực phẩm chức năng chứa men vi sinh. Khi sử dụng các loại thực phẩm này, cha mẹ nên tham khảo ý kiến từ các bác sĩ nhi khoa, các chuyên gia dinh dưỡng, để bảo đảm việc sử dụng phù hợp với thể trạng của trẻ.

Ngoài ra, theo bác sĩ Vương Quang Thắng, để giúp trẻ tăng sức đề kháng, ngoài việc cung cấp thức ăn đủ năng lượng, trẻ cần được bổ sung vitamin, khoáng chất. Các bà mẹ nên cho trẻ ăn các món cung cấp vitamin A, C như quả gấc, đu đủ, xoài, nước cam, chanh… Tại Bà Rịa-Vũng Tàu có sẵn các thực phẩm từ hải sản, là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho trẻ mà các bà mẹ nên tận dụng chế biến hằng ngày trong bữa ăn, giúp trẻ bổ sung kẽm, canxi, vitamin… Để cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ, cha mẹ cần tạo lập chế độ dinh dưỡng hợp lý, cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như: sữa chua, rau xanh, chuối, khoai lang.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.