Cuối tháng 3/2020, trên mạng YouTube xuất hiện đoạn clip có hình ảnh lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh trao đổi về dịch bệnh COVID-19 tại một cuộc họp. Điều đáng nói, clip này đã được dẫn dắt bởi thông điệp gây tò mò “chú ý phần cuối”...
Khi xem đến phần cuối, có đoạn “trên 10.000 người nhiễm, tử vong hơn 1.000”. Đối tượng tung clip viết rằng, đấy là lời từ lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tại cuộc họp nội bộ và “cần lưu ý” con số nêu trên (số người nhiễm và tử vong), từ đó hướng lái vấn đề: Ở Việt Nam, con số thực về người nhiễm, người tử vong đã bị “chính quyền bưng bít”!
Khi clip này tung lên, một số người xem đã hoang mang, thậm chí hoảng hốt khi nghĩ về con số tử vong và bị nhiễm nói trên. Thực chất, đây là clip bị cắt xén, lắp ghép làm sai lệch nội dung. Câu nói “hơn 10.000 ca nhiễm, hơn 1.000 người tử vong” trong clip thực chất là nói về giai đoạn đầu của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, số người nhiễm và tử vong nói trên là tính tới thời điểm trước đây của các nước, nhất là Trung Quốc.
Bằng thủ đoạn lắp ghép, đánh tráo, người tung clip muốn đánh lừa đây là con số ở Việt Nam nhằm gây hoảng loạn trong dân chúng. Đặc biệt, clip này lại xuất hiện vào thời điểm khi trên mạng internet xuất hiện công văn số 2285 của Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh đề xuất phương án hỏa táng trong trường hợp có người tử vong vì dịch COVID-19.
Do sơ suất trong soạn thảo văn bản mà ở công văn này, có những từ ngữ về hỏa táng gây hiểu nhầm, các đối tượng xấu đã lợi dụng điểm này để xuyên tạc, quy kết chính quyền “che giấu” số người chết vì dịch COVID-19.
Ngay sau đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Sở TN-MT thành phố, khẳng định UBND thành phố không có chủ trương và không chỉ đạo Sở ban hành các nội dung theo văn bản số 2285 nêu trên. Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu sở này kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, đề xuất hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan, đồng thời, khẳng định công tác phòng chống dịch của thành phố hiện đang được kiểm soát tốt.
Trong khi đó, một số trang mạng lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc vấn đề cán bộ trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Một số đối tượng phản động, chống đối đưa ra các thông tin nhằm hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; công kích chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các ban, ngành trong công tác chống dịch, lên án lực lượng Công an trong xử phạt các hành vi sai phạm. Bằng việc nêu tên người này, người kia trong phòng, chống dịch rồi miệt thị, đánh lạc hướng, theo kiểu phải chăng những màn đấu đá, tranh giành quyền lực đã đến hồi gay cấn?
Có thể thấy, những nguồn tin giả này hết sức nguy hiểm, không chỉ gây nhiễu loạn thông tin, khiến người dân không phân biệt được thật giả mà còn gây xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trong xã hội. Nó tạo ra một thứ dịch bệnh “dịch fake new” còn nguy hiểm hơn cả dịch COVID-19, chúng ta cần tập trung cảnh giác, đối phó. Những thông tin này đa số được bắt nguồn từ chính các tổ chức phản động lưu vong, các đối tượng phản động, chống đối trong nước lợi dụng dịch bệnh để thực hiện những chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc với mục đích chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Trước tình hình thông tin trên mạng diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng điều tra, xác minh, làm rõ các trường hợp đăng tải thông tin sai lệch trên mạng, đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng đồng thời yêu cầu gỡ bỏ hoặc đính chính những thông tin sai trái nói trên.
Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Đến nay, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Công an các địa phương tổ chức xác minh, đấu tranh với hàng trăm trường hợp thông tin sai sự thật trên không gian mạng.
Tuy nhiên, công tác xử lý các đối tượng phát tán thông tin giả, thông tin sai sự thật gặp không ít khó khăn bởi hầu hết những thông tin này chủ yếu được đăng tải trên mạng xã hội. Với những tính năng sẵn có của mạng xã hội, đặc biệt là tính năng chia sẻ, các đối tượng có thể phát tán thông tin tức thời tới rất nhiều hội nhóm, trong đó có các hội nhóm rất lớn, có hàng chục nghìn thành viên.
Do vậy, việc kiểm soát, ngăn chặn tin giả là hết sức khó khăn đối với các cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ. Đối với người dân, trong lúc này, việc chắt lọc thông tin để nhìn nhận đúng là hết sức cần thiết, nhất là khi Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16, yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội. Các hoạt động giao thông hạn chế tối đa, người người ở nhà thực hiện cách ly thì thời gian lên mạng internet càng nhiều hơn, đòi hỏi việc tiếp cận thông tin một cách tỉnh táo, chính thống về dịch COVID-19.
NGUYỄN THÀNH