CHỐNG DIỄN BIẾN HÒA BÌNH

Chiêu trò lợi dụng dịch COVID-19 để chống phá

Thứ Năm, 16/04/2020, 21:16 [GMT+7]
In bài này
.

Trước những nguy cơ đến từ đại dịch COVID-19, từ Chính phủ đến chính quyền các địa phương, từ các tổ chức chính trị đoàn thể đến từng người dân, từ đồng bào trong nước đến kiều bào ta ở nước ngoài… đã hưởng ứng tham gia một cách tích cực, khẩn trương. Thế nhưng, các đối tượng xấu vẫn tiếp tục diễn trò, lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc, chống phá.

Một trong số những câu chuyện được nhắc đến là “Bức thư chung kêu gọi trả tự do cho tù nhân ở Việt Nam”. Trong bài “Các tổ chức kêu gọi Thủ tướng Việt Nam thả tù nhân vì dịch COVID-19”, trang VOA loan tin: “Nhiều cộng đồng và tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cũng như Ủy ban Luật gia Quốc tế hôm 6/4 đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả tự do cho tù nhân ở Việt Nam để họ tránh bị lây nhiễm SARS-CoV-2 trong lúc lệnh cách ly xã hội đang được áp dụng trên toàn quốc.

Ngay sau khi được công bố, trên nhiều diễn đàn đã phát đi những ý kiến phản đối, tẩy chay bức thư chung này, đơn giản vì đó là một ý tưởng viển vông, xa rời thực tế…; muốn đánh lận bản chất giữa những người hoạt động bảo vệ nhân quyền, những người thực thi quyền tự do ngôn luận, hoặc những người lên tiếng bảo vệ môi sinh với những kẻ cố tình lợi dụng những điều này để thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước…

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay là huy động tối đa các nguồn lực để chống dịch với mục tiêu đẩy lùi dịch COVID-19. Việc đáp ứng “yêu sách” này đồng nghĩa với việc kỷ cương, phép nước bị coi nhẹ và tạo điều kiện cho tội phạm hoành hành tràn lan, khó kiểm soát. Lúc đó, nguồn lực của chúng ta sẽ bị chi phối và đương nhiên sẽ ảnh hưởng xấu đến hiệu quả chống dịch trong thời điểm khó khăn, quan trọng bậc nhất này.

Bức thư chung còn nêu “những tù nhân không nguy hiểm cho xã hội” với tư cách là một lý do khác để thuyết phục Nhà nước Việt Nam trả tự do cho tù nhân ở Việt Nam.

Trên thực tế, những đối tượng bị bắt tại Việt Nam là phần tử đội lốt hoặc lợi dụng, nhân danh những hoạt động đó để thực hiện những mưu đồ chống phá chế độ... và việc đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi chủ yếu dựa trên tiêu chí này chứ không phải vỏ bọc dân chủ, nhân quyền. Và đối với một thể chế chính trị, nhà nước thì đây mới thực sự là những tội phạm nguy hiểm... Cho nên, cái gọi là “những tù nhân không nguy hiểm cho xã hội” thực chất là trò đánh lận con đen của những kẻ chuyên ủ mưu và dàn dựng những chuyện hòng gây sức ép...

Hiểu như thế để thấy rằng, trong cách nhìn nhận của những người đứng ra thảo bức thư chung đã có sự đánh đồng, nói đúng hơn là sự xảo biện, bao biện một cách bất chấp. Bằng chứng rõ ràng nhất là trong nhiều bản cáo trạng được nêu ra tại các phiên toà thì hành vi của họ được chỉ ra là lợi dụng hoặc nhân danh dân chủ, nhân quyền để phạm tội.

Việc cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới đây là một ví dụ điển hình cho những điều được nói đến.

Theo tài liệu của cơ quan chức năng ngày 4/7/2014, Phạm Chí Dũng ra “Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo độc lập - IJAVN” với số lượng ban đầu hàng chục thành viên. Nội dung Điều lệ hoạt động của hội trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Hành vi của Phạm Chí Dũng có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự khi nhiều tin, bài viết được đăng tải trên “Việt Nam Thời báo” có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Với những điều được đưa ra thì không thể nói rằng hành vi của Phạm Chí Dũng là không nguy hiểm cho xã hội, cái gọi là tự do ngôn luận của ông ta thực chất chỉ nhằm che đậy, biện hộ cho hành vi chống đối của mình. Cái cách định danh, gọi tên “những tù nhân không nguy hiểm cho xã hội” từ bức thư chung vì thế cho thấy tư duy xảo biện của những kẻ lĩnh xướng hoặc tham gia ký tên vào bức thư chung này.

Đây không phải lần đầu tiên những “bức thư chung” kiểu thế này xuất hiện. Thông thường, nó thường diễn ra vào những thời điểm được dư luận đánh giá là nhạy cảm như trước, trong các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, hoặc trong các thời điểm khủng hoảng kinh tế, xã hội, thiên tai và dịch bệnh… Việc lợi dụng thời điểm đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới để đưa ra thư chung hòng gây sức ép càng cho thấy bản chất cơ hội, sự thâm hiểm, chống đối đến cùng của các thế lực thù địch.

VĂN PHÚ

 
;
.