.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền

Cập nhật: 20:55, 03/03/2020 (GMT+7)

Ngày 2/9/1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, từ đó Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Khi Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Phải chăm lo xây dựng, rèn luyện để Đảng trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, danh dự của dân tộc; xứng đáng với vai trò của “một Đảng cầm quyền”.

Đảng cầm quyền, càng phải chú trọng xây dựng, chỉnh đốn lại Đảng 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Mục tiêu, lý tưởng và sứ mệnh lịch sử cao cả của Đảng là: “Phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Khi Đảng cầm quyền, nhiệm vụ chính trị sẽ nặng gấp bội lần: Đảng vừa lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo hệ thống chính trị, vừa lãnh đạo toàn xã hội. Đảng phải chịu trách nhiệm mọi quyết định trước dân, trước nước, bởi: Đảng không chỉ “của giai cấp”, mà còn là “của dân tộc”, “của toàn dân”, Đảng “ở trong xã hội”, đại diện lợi ích cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc.

Trở thành Đảng cầm quyền, Đảng phải lo toan từ việc lớn: Xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; phục hưng và phát triển đất nước, đến những việc nhỏ nhặt hàng ngày của đời sống nhân dân như “tương, cà, mắm, muối”. Dẫu biết rằng: “Thắng đế quốc và phong kiến tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu khó khăn hơn nhiều”; dẫu công cuộc kiến thiết nước nhà là “cuộc chiến đấu khổng lồ”, “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp”, nhưng theo Người: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng vẫn phải tự giác, cầu thị nhận lấy trách nhiệm, bổn phận của mình: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Trách nhiệm của Đảng, theo Người còn  đến mức: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn là Đảng vẫn đau thương, cho đó vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”.

Là Đảng cầm quyền, Người tiên lượng và cảnh báo từ rất sớm: Phải cảnh giác, phòng và chống nguy cơ thoái hóa biến chất trong Đảng, nhất là các căn bệnh dễ mắc phải, nhưng không dễ chữa trị: “Lên mặt làm quan cách mạng”, kiêu ngạo, độc đoán, hách dịch, tham ô, lãng phí, quan liêu. Muốn giữ vai trò lãnh đạo, không còn con đường nào khác Đảng phải thường xuyên “tự đổi mới, tự chỉnh đốn” để “tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài”, “rửa sạch những thói hẹp hòi, phô trương, hình thức, tự đại, ỷ lại, lười biếng, nhút nhát, hủ hóa”; để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, làm cho Đảng: “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Với cán bộ, đảng viên, Người đòi hỏi: Phải tiên phong về trí tuệ, tư tưởng lý luận và hành động thực tiễn; không được phai nhạt lý tưởng cao cả mà mình đã tâm niệm, tuyên thệ trước Đảng; luôn nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; suốt đời “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Tiếp tục tạo chuyển biến đột phá về chỉnh đốn lại Đảng

Trước lúc từ biệt chúng ta, Người dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng vượt qua”.

Nguyên lý xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền nói riêng của Người càng có giá trị khi Đảng ta “là một Đảng duy nhất cầm quyền”, đang đồng hành cùng dân tộc xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhưng trong Đảng vẫn còn không ít những hạn chế, thậm chí có những khuyết điểm, yếu kém kéo dài trong nhiều nhiệm kỳ chưa được khắc phục, gây bức xúc trong Đảng, trong dân.

Thấm nhuần lời Người, phải thật sự quyết liệt chỉnh đốn lại Đảng trên tất cả các mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để Đảng giữ vững vai trò “duy nhất cầm quyền”, đặc biệt cần chú trọng:

Thứ nhất: Phải làm cho nhiệm vụ chỉnh đốn lại Đảng trở thành nhu cầu tự hoàn thiện, tự làm trong sạch nội bộ trong cả nhận thức cũng như hành động của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trước hết cần dồn sức đẩy lùi cho kỳ được: “Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng; đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng nhằm loại bỏ “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ trong Đảng, trong dân; khôi phục lại niềm tin, ngăn chặn nguy cơ tồn vong của Đảng và chế độ.

Thứ hai: Đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải đề cao trách nhiệm nêu gương: “Không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho CNXH hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta”; Phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện phong cách “lãnh đạo sâu sát, dân chủ, thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít”; đã nói là làm, đã hứa là thực hiện, “miệng nói tay làm, phải xung phong gương mẫu” để quần chúng noi theo, làm theo.

Thứ ba: Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, mà trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; giữ gìn và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Là một Đảng duy nhất cầm quyền “Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm trọn nhiệm vụ của Đảng”.

Và thứ tư: Trong điều kiện lịch sử mới, Đảng phải tập trung làm chuyển biến mạnh mẽ công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ: Từ lựa chọn, đánh giá, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đến chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật. Bởi “Công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, “Cán bộ là cái gốc của công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.