.

Lễ giỗ tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo

Cập nhật: 12:51, 27/07/2025 (GMT+7)

Sáng 27-7, tại Đền thờ Côn Đảo (Nghĩa trang Hàng Dương), Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM long trọng tổ chức Lễ giỗ các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã hy sinh tại Côn Đảo, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2025).

Đại biểu nghiêng mình tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ, đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo.
Đại biểu tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ, đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo.

Lễ giỗ có sự tham gia của các ông, bà: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Đặng Minh Thông, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Dự lễ còn có nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nguyên lãnh đạo TPHCM và lãnh đạo nhiều sở, ngành của TPHCM.

Mở đầu lễ giỗ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã thỉnh 9 tiếng chuông từ đại hồng chung ở Đền thờ Côn Đảo.

Trong không gian linh thiêng và xúc động, các đại biểu đã làm lễ chào cờ và dành phút mặc niệm tưởng nhớ các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước đang yên nghỉ tại Côn Đảo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thỉnh chuông.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thỉnh chuông.

Giữ gìn ký ức bất tử về những hy sinh vĩ đại

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được chia sẻ, ngày 27-7 hàng năm đã khắc sâu vào trí nhớ và trái tim của mỗi người dân Việt Nam trong suốt dòng thời gian 78 năm thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.

Đại biểu chào cờ và mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Đại biểu chào cờ và mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

“Hôm nay, những người con của Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu về với đặc khu Côn Đảo, vẫn luôn bền lòng, nặng nghĩa, giữ lửa truyền thống, tìm về những di tích Cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh, Sở Tiêu, Cỏ Ống, Bến Đầm, Hòn Cau, Bảy Cạnh - những công trình xây dựng bằng xương máu của các anh linh, anh hùng chiến sĩ. Tất cả vẫn còn đó, in đậm dấu ấn của ngày trước và là lời nhắc nhở cho mai sau phải biết giữ gìn ký ức bất tử về những hy sinh vĩ đại”, đồng chí Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

Đại biểu dự lễ giỗ.
Đại biểu dự lễ giỗ.

Và ngày 27-7 cũng là ngày giỗ của hơn 20.000 chiến sĩ, người dân yêu nước và biết bao những người con ưu tú của dân tộc với ý chí kiên trung, bất khuất, không chịu khuất phục.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, đoàn công tác cùng thành kính dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước.

Để ký ức không bị lãng quên

Tại lễ giỗ, bà Hoàng Thị Khánh, cựu tù chính trị Côn Đảo, từng bị giam giữ suốt 5 năm nơi “địa ngục trần gian”, lặng lẽ đặt nén nhang lên bàn thờ liệt sĩ, ánh mắt rưng rưng. Mỗi lần trở về Côn Đảo, ký ức khốc liệt lại ùa về như mới hôm qua.

Những năm đầu sau giải phóng, bà Khánh thường xuyên trở lại Côn Đảo, để được nói lời tri ân với những người nằm lại.

Dần dần, từ những chuyến đi riêng lẻ, Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM hình thành, kết nối và được chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể hỗ trợ.

Đông đảo người dân đến dâng hương tại Đền thờ Côn Đảo.
Đông đảo người dân đến dâng hương tại Đền thờ Côn Đảo.

“Mỗi năm, tôi đều trở lại đây. Mỗi lần ra là một lần sống lại những tháng ngày chiến đấu, những đêm dài trong xà lim, những giọt máu đổ xuống vì lý tưởng. Và cũng là một lần tôi thấy biết ơn vì mình còn được sống, để thấy dân mình hôm nay được tự do, hạnh phúc. Đó cũng là ước mơ của biết bao người từng nằm trong nhà tù Côn Đảo, đó là thấy ngày hòa bình, tự do, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, bà Khánh xúc động.

Bà Khánh nghẹn ngào khi nói về sự đổi thay của Côn Đảo hôm nay. Từ một hòn đảo u ám, nơi từng giam giữ hàng vạn người yêu nước, nay đã bừng sáng sức sống mới. Những trại giam âm u ngày nào, nay thành di tích được gìn giữ trang nghiêm, chu đáo.

Dọc những con đường ven biển, bà nhìn thấy gương mặt người dân rạng rỡ hơn, những nụ cười ấm áp, cuộc sống khởi sắc từng ngày.

Với bà Khánh, việc TPHCM đứng ra tổ chức lễ giỗ long trọng không chỉ là sự ghi nhận, tri ân, mà còn là lời nhắc nhở với thế hệ trẻ hôm nay sống biết ơn, yêu nước.

“Lễ giỗ do Đảng, Nhà nước, chính quyền TPHCM tổ chức không chỉ tưởng nhớ những người đã hy sinh, mà còn là cách để các em, các cháu hiểu rằng, đất nước có được như hôm nay là nhờ hàng vạn người đã nằm xuống ở nhiều góc độ khác nhau. Phải sống sao cho xứng đáng, phải phấn đấu để đất nước tiếp tục phát triển”, bà Khánh chia sẻ.

Giữa khói hương bảng lảng nơi đền thiêng, người nữ tù nhân năm xưa lặng lẽ cúi đầu. Mái tóc đã bạc trắng, bà chỉ mong Côn Đảo sẽ mãi là biểu tượng của lòng yêu nước, và ký ức thiêng liêng ấy, sẽ không bao giờ bị lãng quên.

THU HOÀI

.
.
.