Việc sửa đổi Luật Quy hoạch phải bám sát thực tiễn sáp nhập địa giới và yêu cầu đổi mới bộ máy

Thứ Bảy, 10/05/2025, 17:06 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 10/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổ đại biểu số 4 đã tiến hành thảo luận dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổ đã góp ý đối với ba dự thảo luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: "Việc sửa đổi Luật Quy hoạch phải bám sát thực tiễn sáp nhập địa giới và yêu cầu đổi mới bộ máy".

Đại biểu Nguyễn Thị Yến: Việc sửa đổi Luật Quy hoạch phải bám sát thực tiễn sáp nhập địa giới và yêu cầu đổi mới bộ máy

Đại biểu Nguyễn Thị Yến đã trực tiếp phát biểu góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy hoạch, với nhiều kiến nghị sát thực tiễn, có chiều sâu và gắn chặt với công tác quản lý địa phương.

Đại biểu Yến khẳng định Luật Quy hoạch năm 2017 là một bước tiến lớn trong cải cách thể chế, song đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh các địa phương đang triển khai việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn. Theo bà, đây là lý do thiết thực để cần sửa đổi, bổ sung một số điều của luật, giúp hệ thống quy hoạch thích ứng với những thay đổi về địa giới và mô hình tổ chức chính quyền mới.

Một trong những bất cập được đại biểu nhấn mạnh là hiện nay dự thảo luật chưa có quy định cụ thể về quy trình điều chỉnh quy hoạch khi thay đổi địa giới hành chính, như chia, tách, sáp nhập đơn vị hành chính. Việc chưa xác lập rõ căn cứ điều chỉnh sẽ gây lúng túng trong thực thi. Bà đề nghị Ban soạn thảo cần thiết kế lại quy trình này một cách chi tiết, phù hợp với tính chất, quy mô và không gian lãnh thổ của quy hoạch bị thay đổi.

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ đại biểu Số 4.
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ đại biểu Số 4.

Về phân cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, đại biểu Yến tán thành việc giao Chính phủ quyền điều chỉnh đối với các quy hoạch không gian biển và quy hoạch sử dụng đất – những nội dung mang tính kỹ thuật cao, thường xuyên cần cập nhật để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo bà, nếu phải chờ Quốc hội họp định kỳ để xin điều chỉnh thì nhiều dự án quan trọng sẽ bị đình trệ ít nhất từ 6 tháng đến cả năm, gây lãng phí thời gian và cơ hội phát triển.

"Một dự án về sử dụng đất hay không gian biển nếu muốn triển khai cũng phải mất cả năm để hoàn thiện thủ tục xin Quốc hội thông qua. Thời gian đó là quá dài so với yêu cầu phát triển và điều hành kinh tế", bà nhấn mạnh.

Đối với quy hoạch cấp tỉnh, bà Yến đề cập đến thực tế sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo hướng chỉ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, sẽ cần điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch cấp tỉnh hiện có để phù hợp với bản đồ hành chính mới.

Bên cạnh đó, khi không còn cấp huyện, thì việc xác định quy hoạch cấp huyện cũng không còn cơ sở pháp lý, cần có hướng dẫn cụ thể để tránh việc cấp cơ sở tự ý tiếp tục thực hiện.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ.
Đại biểu Dương Tấn Quân, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ.

Về quy hoạch đất đai ở cấp xã, đại biểu Yến dẫn chứng từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%. Tuy nhiên, sau sáp nhập xã, số lượng xã tăng lên dẫn đến tỷ lệ đất nông thôn cũng tăng theo, làm thay đổi đáng kể cấu trúc quy hoạch sử dụng đất.

Đại biểu đề nghị cần có sự rà soát lại quy hoạch đất nông thôn - đô thị, vì nhiều chỉ tiêu trong quy hoạch hiện hành không còn phù hợp.

Kết thúc nội dung thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh rằng việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này cần đồng bộ với các chủ trương lớn của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng thời đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực tiễn. Những điều chỉnh về quy trình, phân cấp, thẩm quyền và tính linh hoạt trong điều chỉnh quy hoạch sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, phục vụ phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tích cực tham gia phát biểu góp ý đối với 03 dự thảo luật nói trên.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

;
.