Là đơn vị vũ trang chủ lực đầu tiên của tỉnh (thành lập vào ngày 19/5/1965), trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, cùng với Sư đoàn 3 Sao Vàng, Tiểu đoàn 445 đã lập nên những chiến công chói lọi, giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần vào thắng lợi của cả dân tộc.
![]() |
Các cựu chiến binh tưởng nhớ đồng đội đã anh dũng hy sinh được khắc tên tại Công viên Chiến thắng. |
Những trận đánh lịch sử
Tiểu đoàn 445, tiền thân là đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh, ra đời ngày 19/5/1965 tại ấp Suối Rao, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, trên cơ sở sáp nhập Đại đội 440 và Đại đội 445, tuyển thêm tân binh ở huyện Long Đất, Châu Đức và các lực lượng. Đây được xem là đơn vị vũ trang chủ lực đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau khi thành lập, Tiểu đoàn 445 liên tục lập chiến công. Đặc biệt, trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Tiểu đoàn 445 đã phối hợp cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng tiến vào giải phóng toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Phạm Như Tu, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 445 nhớ lại, sau khi phòng tuyến Xuân Lộc bị xuyên thủng, địch phải dồn về tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay) cố thủ. Ngày 23/4/1975, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh họp bàn với Sư đoàn 3 Sao Vàng đề ra kế hoạch giải phóng Bà Rịa và Vũng Tàu. Trong đó, Tiểu đoàn 445 được giao nhiệm vụ tiến công chủ yếu trên địa bàn hai thị trấn Long Điền và Đất Đỏ; đồng thời phối hợp, dẫn đường cho quân chủ lực đánh các cứ điểm quan trọng tại Bà Rịa và Vũng Tàu.
Nắm chắc địa bàn, cùng với phương châm “thần tốc, quyết thắng”, chỉ sau 20 phút pháo kích vào tối 27/4/1975, Tiểu đoàn 445 đã chiếm toàn bộ quận lỵ Long Điền. Đến 24 giờ ngày 27/4/1975, Tiểu đoàn đã làm chủ chi khu Đất Đỏ. “Suốt từ Long Khánh về tới Long Điền, các nơi lính địch chạy tán loạn, chỉ huy tiểu đoàn lệnh đưa hỏa lực ra khống chế địch, gồm 1 khẩu cối 82 ly, 1 khẩu đại liên 12,8 ly bắn dồn dập. Địch không chạy nổi phải đầu hàng”, cựu chiến binh Phạm Như Tu nhớ lại.
Thừa thắng xông lên, Tiểu đoàn 445 tiếp tục phối hợp đánh tan rã các đơn vị địch ở thị xã Bà Rịa, tạo điều kiện cho đội hình Sư đoàn 3 Sao Vàng tiến công Long Hải, Vũng Tàu.
Sau khi giải phóng hoàn toàn Bà Rịa, trưa 28/4/1975, Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng Tiểu đoàn 445 phối hợp tiến công giải phóng Vũng Tàu bằng đường bộ và đường biển. Trước đó, địch phá cầu Cỏ May, ngăn quân ta tiến đánh Vũng Tàu. Song được sự giúp sức của Nhân dân, cánh quân phía Phước Tỉnh vượt sông Cửa Lấp tiến vào Vũng Tàu. Đến 13 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, địch đang cố thủ tại khách sạn Palace đã kéo cờ đầu hàng, Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 445 vẫn không quên ký ức ngày đó, khi đơn vị của ông tiến về giải phóng quê hương, bà con nhân dân sử dụng cả xe lam, xe bò, máy cày giúp chiến sĩ hành quân thần tốc giải phóng Bà Rịa, rồi giải phóng Vũng Tàu.
Viết tiếp truyền thống vẻ vang
Do yêu cầu nhiệm vụ, năm 2008, Tiểu đoàn 445 được tổ chức lại thành đơn vị khung thường trực, sẵn sàng huấn luyện và động viên lực lượng khi có lệnh, trực thuộc Trung đoàn Minh Đạm (Bộ CHQS tỉnh).
Năm 2024, theo yêu cầu nhiệm vụ mới, tiểu đoàn được biên chế 1 đại đội có quân, đồng thời thành lập Đảng bộ Tiểu đoàn và các chi bộ, bộ phận trực thuộc, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo phân công của Trung đoàn Minh Đạm và Bộ CHQS tỉnh.
Từ năm 1965 đến 1975, Tiểu đoàn 445 tham gia khoảng 1.000 trận đánh, tiêu diệt 12.000 tên địch, làm bị thương 7.000 tên, bắt sống hơn 1.000 tên; phá hủy 138 xe quân sự, 23 máy bay, nhiều đồn bốt, kho tàng; thu 2.500 súng, 100.000 viên đạn và 250 máy thông tin.
Với thành tích xuất sắc, Tiểu đoàn được tặng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, 10 Huân chương Chiến công hạng Nhì và Ba, 4 Đại đội đạt danh hiệu “Thành đồng Quyết thắng”, cùng 1.777 bằng, giấy khen. Năm 1976, Tiểu đoàn vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
|
Thiếu tá Nguyễn Văn Tân, Chính trị viên Tiểu đoàn 445 chia sẻ, may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong thời bình, cán bộ, chiến sĩ và thế hệ trẻ Tiểu đoàn 445 luôn ghi nhớ công ơn, sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Gìn giữ và phát huy truyền thống, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị không ngừng cố gắng học tập, huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu để viết thêm truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn 445 anh hùng nói riêng và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung.
Nhằm lưu dấu và phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng vũ trang tỉnh, năm 2024, UBND tỉnh đã khánh thành Công viên Chiến thắng, nhằm tưởng nhớ, tri ân đối với các chiến sĩ Tiểu đoàn 445 và các lực lượng đã hy sinh cho độc lập dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần kiên cường của cha ông.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC