Thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Chiều 5/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
![]() |
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu biểu quyết điện tử về Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. |
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Trước đó, trình bày dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự thảo Nghị quyết quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 quyết nghị, thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên, trong đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm Phó Chủ tịch Ủy ban.
Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp; giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua. Ủy ban được sử dụng con dấu của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nghị quyết giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp là cơ quan thường trực trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ủy ban; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Bước đi lịch sử kiến tạo thể chế, đặt “dân là gốc”
Trước đó, thảo luận tại Hội trường, đa số ĐBQH tán thành với đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, đã có những ý kiến sắc sảo, sâu sắc về sự cần thiết cũng như định hướng sửa đổi Hiến pháp lần này.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng: Sửa đổi Hiến pháp 2013 là bước đi lịch sử kiến tạo thể chế, đặt “dân là gốc”. |
Mở đầu bài phát biểu, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối đối với đề nghị sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Ông cho rằng đây là “bước đi lịch sử” có ý nghĩa kiến tạo thể chế sâu rộng, đặt nền móng pháp lý quan trọng cho tiến trình tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, trong bối cảnh phát triển đất nước mạnh mẽ theo hướng chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Theo đại biểu Hùng, sau hơn 10 năm thực hiện, Hiến pháp 2013 đã góp phần ổn định tổ chức bộ máy và phát huy dân chủ, nhưng cũng dần bộc lộ những giới hạn, nhất là trong yêu cầu tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính và điều hành quốc gia.
Đại biểu nhấn mạnh ba nội dung sửa đổi trọng yếu lần này là "đúng" và "trúng" các “nút thắt thể chế”: Tái định hình mô hình tổ chức chính quyền địa phương, giảm tầng nấc trung gian không cần thiết; Củng cố vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, không chỉ làm cầu nối mà còn phải là chủ thể giám sát thực chất và tham gia vào quy trình thiết kế chính sách; Tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, đáp ứng yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước hiện nay.
Về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Hùng cho rằng đây là yêu cầu cấp thiết và đúng quy định tại khoản 2 Điều 120 Hiến pháp 2013. Thành phần Ủy ban cần bảo đảm tính đại diện, toàn diện từ Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các bộ ngành để bảo đảm sự kết nối giữa lý luận - thực tiễn - kỹ thuật lập hiến.
Đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này đảm bảo tính “kế thừa” và “đổi mới”, trong đó “lấy dân là gốc” làm nguyên tắc xuyên suốt. Để bảo đảm Hiến pháp trở thành bản “khế ước” giữa Nhân dân và Nhà nước, đại biểu Hùng đề nghị: Chủ động xây dựng lộ trình tham vấn xã hội một cách rộng rãi, khoa học, phát huy vai trò “dân biết, dân bàn, dân góp ý, dân đồng thuận”; Bảo đảm ngôn ngữ lập hiến rõ ràng, nhất quán, tránh tạo khoảng trống pháp lý; Hiến định rõ mô hình chính quyền hai cấp phù hợp với thực tiễn để nâng cao hiệu lực quản trị quốc gia.
“Sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là trách nhiệm lịch sử của Quốc hội khóa XV”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)