Sáng 7/5, tại phiên thảo luận toàn thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, đã có những ý kiến đóng góp quan trọng, tập trung vào Chương VII - Chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu tại kỳ họp. |
Góp ý về Điều 45 của Dự thảo, đại biểu đề xuất cần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hiện nay, quy định chỉ áp dụng cho người lao động có hợp đồng lao động là chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn đa dạng của thị trường lao động hiện đại, đặc biệt là đối với lao động tự do, lao động thời vụ, lao động trên nền tảng số - những nhóm có nguy cơ mất việc cao nhưng lại không được bảo vệ. Việc bổ sung phạm vi này không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người lao động mà còn góp phần mở rộng độ bao phủ chính sách an sinh xã hội.
Về Điều 49 liên quan đến điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng quy định yêu cầu người lao động phải đóng đủ 12 tháng trong 24 tháng là chưa phù hợp. Trong bối cảnh người lao động thường xuyên thay đổi công việc, nhiều trường hợp đóng gián đoạn dẫn đến không đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Ông kiến nghị cần sửa đổi quy định theo hướng cho phép cộng dồn thời gian đóng hoặc hạ thấp yêu cầu về thời gian đóng, nhằm bảo đảm tính khả thi và nhân văn của chính sách.
Đối với nội dung quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 55, đại biểu nhấn mạnh: hiện nay quỹ này đang tồn dư lớn, chủ yếu được gửi ngân hàng để lấy lãi, trong khi nhu cầu đào tạo lại, chuyển đổi nghề của người lao động là rất lớn. Do đó, cần bổ sung quy định cụ thể về tỷ lệ chi cho công tác đào tạo, đồng thời tăng cường cơ chế giám sát để đảm bảo sử dụng quỹ đúng mục tiêu, hiệu quả và minh bạch.
Về hệ thống dịch vụ việc làm, theo quy định tại Điều 57, đại biểu đề nghị cần có chính sách đầu tư tương xứng cho các trung tâm dịch vụ việc làm công lập, bảo đảm đủ nhân lực, cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn để tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ kết nối đào tạo lại cho người lao động thất nghiệp. Đồng thời, cần hoàn thiện quy định về hợp tác công - tư trong lĩnh vực này, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, không thương mại hóa quyền tiếp cận việc làm của người lao động.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh: “Việc sửa đổi Luật Việc làm lần này cần được nhìn nhận với tư duy đổi mới và tiếp cận toàn diện hơn. Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là chính sách cứu trợ mà cần là công cụ chủ động ổn định và phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và bền vững”.
Bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu khác và góp phần làm rõ thêm những vấn đề cốt lõi đang được Quốc hội xem xét trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Châu Vũ - Phúc Lưu
(từ Hà Nội)