Sáng 10/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận hai dự án luật quan trọng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Các ý kiến phát biểu tại hội trường đã thể hiện sự sâu sắc, thực tiễn và bám sát yêu cầu cải cách quản lý nhà nước trong bối cảnh kinh tế số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
![]() |
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc: "Tăng cường xử lý vi phạm, bảo vệ sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng"
Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh đến những vấn đề cấp thiết liên quan đến quảng cáo sai sự thật, nhất là trên nền tảng số và đối tượng là người có ảnh hưởng (KOLs), người nổi tiếng.
Theo đại biểu, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, sản phẩm tiêu dùng không đúng sự thật đã làm tổn hại đến niềm tin của xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Vì vậy, cần sớm sửa đổi Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, nâng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe và tạo môi trường quảng cáo lành mạnh, bình đẳng.
Đại biểu cũng đề xuất bổ sung quy định đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp đối với người có ảnh hưởng, đặc biệt là những cá nhân đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức. Vi phạm quảng cáo phải được xử lý nghiêm, đồng thời quy chế nội bộ của các cơ quan, tổ chức cũng cần làm rõ trách nhiệm và chế tài vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo.
Đại biểu Phúc đồng thời nhấn mạnh cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quảng cáo xuyên biên giới, bao gồm nghĩa vụ gỡ bỏ nội dung vi phạm và cơ chế xử lý minh bạch. Ngoài ra, đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh…, đại biểu đề nghị cần có danh mục chi tiết và quy định xử phạt dựa trên giá trị hợp đồng quảng cáo, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng: "Cần thiết lập hành lang pháp lý rõ ràng cho quảng cáo xuyên biên giới"
![]() |
Tham gia thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực cập nhật thực tiễn quảng cáo trong môi trường số của Ban soạn thảo, đặc biệt là việc bổ sung khái niệm "dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới".
Tuy nhiên, theo đại biểu, nhiều quy định vẫn còn thiếu cụ thể, chưa đủ năng lực điều chỉnh hiệu quả hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, một lĩnh vực đặc biệt phức tạp và thay đổi nhanh chóng. Đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa các tiêu chí nhận diện dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới như dấu hiệu hướng đến người dùng Việt Nam, hành vi kinh doanh trực tuyến, sự hiện diện thương mại thực tế tại Việt Nam.
Về trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong quảng cáo, ông Hùng đề xuất bổ sung định nghĩa rõ ràng và minh bạch hóa quy trình nội dung tài trợ. Đặc biệt, cần thiết lập cơ chế trách nhiệm liên đới giữa người có ảnh hưởng, nền tảng và người quảng cáo trong trường hợp xảy ra vi phạm.
Đại biểu cũng kiến nghị bổ sung yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải có đại diện pháp lý tại Việt Nam, tăng cường trách nhiệm hậu kiểm, xử lý vi phạm như tạm ngừng hợp tác quảng cáo, chặn nội dung vi phạm. Đồng thời, ông đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và quốc tế để kiểm soát hiệu quả hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, trong đó có vai trò chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đại biểu Đỗ Văn Yên: "Hạ tầng tiêu chuẩn là nền tảng cho đổi mới sáng tạo và hội nhập"
![]() |
Thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh vai trò nền tảng của hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Theo đại biểu, một số quy định của dự thảo còn mang tính liệt kê cứng, thiếu tính mở và chưa đủ năng lực điều chỉnh các sản phẩm công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, dịch vụ kỹ thuật số. Ông đề xuất cần cho phép Chính phủ cập nhật danh mục đối tượng điều chỉnh linh hoạt qua nghị định để phù hợp với thực tiễn công nghệ.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu nhấn mạnh cần ưu tiên hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong áp dụng tiêu chuẩn, thông qua cơ chế ưu đãi tín dụng, thuế, hỗ trợ ngân sách khoa học công nghệ.
Đặc biệt, ông đề nghị làm rõ cơ chế, thẩm quyền giao quyền trong việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để tránh phân mảnh pháp luật giữa các địa phương. Đồng thời, đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật bằng cơ chế khen thưởng, hỗ trợ tài chính hoặc ưu đãi nghiên cứu.
Các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận cho thấy rõ yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, không chỉ quản lý theo hướng cứng nhắc mà cần thích ứng linh hoạt với môi trường công nghệ số, bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy sáng tạo và hội nhập. Quốc hội tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm chất lượng, khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)