.

Sắp xếp, hợp nhất TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu: Lãnh đạo 3 địa phương "hội nghị bàn tròn" tại Hồ Tràm

Cập nhật: 20:26, 14/05/2025 (GMT+7)

Chiều 14/5, tại Khu phức hợp The Grand Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Bình Dương, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội nghị đánh gia công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã của 3 địa phương và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, chủ trì hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, chủ trì hội nghị.

Đảm bảo xã mới không trùng tên gọi

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, đến thời điểm hiện nay, 3 địa phương liên quan đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh trình bày báo cáo tại hội nghị.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh trình bày báo cáo tại hội nghị.

Các địa phương đã trình Đề án lên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ để xem xét, đồng thời tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo đúng quy định trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết nghị. Đồng thời, hoàn thiện và gửi trình Chính phủ đúng thời hạn, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, trước ngày 1/5/2025. 

Theo đề án, trụ sở chính trị - hành chính của TP.Hồ Chí Minh mới sẽ đặt tại TP.Hồ Chí Minh và có thêm 2 cơ sở tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương để ổn định bộ máy thời kỳ đầu sau sắp xếp. Sau đó, trong quá trình thực hiện, thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp.

Sau khi sáp nhập, tổng số đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh mới là 168 (113 phường, 54 xã và 01 đặc khu), giảm 61,9% so với 441 đơn vị hành chính cấp xã ban đầu.

Về tên gọi xã mới, 3 địa phương thống nhất không đặt trùng tên trong phạm vi toàn thành phố mới, để thuận lợi quản lý cũng như trong quá trình sử dụng dữ liệu hành chính, dân cư, đất đai.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cùng các đại biểu xem sơ đồ hướng tuyến đường vành đai 4, TP.Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cùng các đại biểu xem sơ đồ hướng tuyến đường vành đai 4, TP.Hồ Chí Minh.

Việc đặt tên đơn vị hành chính được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với truyền thống, văn hóa, lịch sử của từng địa phương. Đặc biệt, ưu tiên lựa chọn những tên gọi tiêu biểu, gắn với vùng đất, địa danh lịch sử đã khắc sâu vào tâm thức và tình cảm của người dân. 

Chẳng hạn, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến thành lập các phường mang tên Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ có các địa danh như phường Bà Rịa, phường Vũng Tàu, phường Phú Mỹ, xã Đất Đỏ. Còn tại tỉnh Bình Dương, các địa phương được đặt tên là phường Bình Dương, phường Thủ Dầu Một, phường Thuận An, phường Dĩ An,…

Các đại biểu tham dự hội nghị,
Các đại biểu tham dự hội nghị,

Về việc điều chỉnh địa giới hành chính trong quá trình sắp xếp, các tỉnh, thành phố đã tiến hành nghiên cứu, rà soát và thực hiện điều chỉnh ở một số khu vực nhằm khắc phục những bất hợp lý hiện nay. Việc điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự lâu dài, đồng thời giúp người dân dễ dàng tiếp cận với trụ sở hành chính. Các địa phương cũng đã cân đối, điều chỉnh quy mô dân số phù hợp với từng đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị.

Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ đưa vào Đề án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh ranh giới hành chính để toàn bộ diện tích Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thuộc 01 xã mới trong đợt sắp xếp này.

Giảm thiểu tác động đến cán bộ, công chức, viên chức

Trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, thảo luận và đóng góp ý kiến. Nội dung làm việc tập trung vào việc xây dựng các phương án cụ thể về sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, sắp xếp nguồn nhân lực và tổ chức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của bộ máy hành chính sau sắp xếp.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị.

Ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện và giảm thiểu tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác, giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố sau sắp xếp.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị.

Ban Chỉ đạo đã hoàn thiện và bổ sung Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Đề án được xây dựng với mục tiêu bảo đảm duy trì và vận hành ổn định các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ của cả ba địa phương sau khi việc hợp nhất chính thức được triển khai.

Bảo đảm bộ máy hoạt động đồng đều, thông suốt

Trong thời gian tới, ba địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án thành lập Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh để trình Ban Chỉ đạo và cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, hoàn chỉnh dự thảo Đề án kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện, cấp xã cũ để thành lập đảng bộ cấp xã mới. Công tác chuẩn bị phương án nhân sự cấp ủy phường, xã cũng đang được triển khai song song.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: đây là lần đầu tiên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và Tỉnh ủy Bình Dương cùng gặp gỡ, trao đổi và thảo luận.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh phát biểu kết luận hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh phát biểu kết luận hội nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, đây là bước khởi đầu quan trọng cho hành trình xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, hướng tới hình thành một siêu đô thị có tầm vóc quốc tế, trở thành cực tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là niềm hy vọng và niềm tin của cả nước.

“Việc hợp nhất 3 địa phương nhằm tối ưu hóa không chỉ là nguồn lực hữu hình (ngân sách, tài sản, quỹ đất, đầu tư kết cấu hạ tầng...) mà quan trọng hơn đó là thể chế, cơ chế, chính sách, không gian thử nghiệm, những vấn đề mới, sáng tạo sẽ được chuẩn bị và triển khai nhanh hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Nên cho biết thử thách lớn nhất đối với 3 Ban Thường vụ hiện nay là đưa chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống kịp thời, hiệu quả.

“Trách nhiệm trước mắt của chúng ta là chọn lựa, bố trí nhân sự đủ chuẩn, đủ sức gánh vác trọng trách mới, bảo đảm bộ máy hoạt động đồng đều, thông suốt, trơn tru, minh bạch, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, điều kiện mới. Đồng thời giải quyết chính sách đối với từng nhóm cán bộ, công chức, viên chức, từng trường hợp cụ thể để người tiếp tục công tác yên tâm cống hiến, người không tiếp tục cũng nhận được sự quan tâm đúng mức. thấu tình, đạt lý”, ông Nguyễn Văn Nên nói.

Bài, ảnh: PHÚC LƯU - MẠNH THẮNG

 

.
.
.