Chiều 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát biểu thảo luận tại Tổ đại biểu Số 4. Nội dung tập trung vào 3 văn kiện quan trọng: Dự thảo Nghị quyết về rút ngắn nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 202-2026; Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: “Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và H ĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là chiến lược đồng bộ tổ chức bộ máy, phù hợp Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu của đất nước”. |
Đồng tình rút ngắn nhiệm kỳ - Đảm bảo đồng bộ giữa Đại hội Đảng và Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Yến khẳng định, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một bước đi chiến lược nhằm rút ngắn khoảng cách giữa Đại hội Đảng và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nhiệm kỳ mới. Đây là sự cụ thể hóa chủ trương lớn của Trung ương, góp phần đảm bảo tính đồng bộ trong kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, phù hợp với Hiến pháp và các đạo luật đang trong lộ trình sửa đổi, bổ sung.
Theo dự kiến, ngày bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp sẽ là Chủ nhật, ngày 15/3/2026, sớm hơn gần 2 tháng so với thông lệ và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XVI dự kiến diễn ra vào tháng 4/2026.
Góp ý tên gọi nghị quyết, đại biểu Yến đề nghị bỏ cụm từ “đại biểu” để phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, đồng thời tạo sự thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật. Tên gọi nên là: “Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026”.
Sửa đổi Luật Bầu cử - Phù hợp mô hình chính quyền hai cấp và yêu cầu thực tiễn
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, đại biểu Yến cho rằng việc sửa đổi đến 47/98 điều là rất cần thiết, nhằm thích ứng với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã), theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đặc biệt, đại biểu ủng hộ cao việc rút ngắn các mốc thời gian trong quy trình bầu cử như: Thành lập các tổ chức bầu cử, thời gian hiệp thương, niêm yết danh sách cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo... để phù hợp với lịch trình bầu cử mới.
Góp ý cụ thể tại Điều 8 và Điều 66, đại biểu Yến đề nghị: Bỏ cụm từ “đại diện tổ chức chính trị - xã hội” trong quy định liên quan đến tiếp xúc cử tri vì theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các tổ chức như Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… đều trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hoạt động dưới sự chủ trì của Mặt trận. Bổ sung quy định kỹ thuật an toàn thông tin mạng cho hình thức “tiếp xúc cử tri kết hợp trực tiếp và trực tuyến” tương tự như hình thức “tiếp xúc cử tri trực tuyến” đã được nêu, để đảm bảo an toàn thông tin và thống nhất quy định.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân - Cần quy định cập nhật theo thay đổi địa giới hành chính
Về Dự Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Nguyễn Thị Yến bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương ban hành luật. Tuy nhiên, trước thực tiễn đất nước đang tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính, nhất là theo mô hình tinh gọn còn 34 tỉnh/thành từ 63 tỉnh, thành hiện nay và thay đổi địa giới hơn 3.190 đơn vị hành chính cấp xã, thì cần bổ sung quy định hoặc hướng dẫn cụ thể.
Cụ thể, bà đề nghị cần có lộ trình cập nhật dữ liệu cá nhân (liên quan đến nơi thường trú, nơi ở hiện nay...) sau khi thay đổi địa giới để đảm bảo quyền công dân, quản lý dân cư và thông suốt hệ thống dữ liệu quốc gia.
Kết luận phát biểu, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung các luật và nghị quyết lần này là rất cần thiết, mang tính chiến lược, đón đầu các cải cách về tổ chức bộ máy nhà nước và phương thức quản lý xã hội, đồng thời đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ các góp ý để hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội thông qua.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và đối ngoại của Quốc hội: “Rút ngắn nhiệm kỳ và cải tiến quy trình bầu cử là cần thiết, nhưng phải tính đến thực tế miền núi, vùng xa”
![]() |
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và đối ngoại của Quốc hội: “Rút ngắn nhiệm kỳ và cải tiến quy trình bầu cử là cần thiết, nhưng phải tính đến thực tế miền núi, vùng xa”. |
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của dự thảo Luật sửa đổi lần này, với 41 điều được sửa đổi, nhằm thể chế hóa chủ trương tinh gọn bộ máy, điều chỉnh các mốc thời gian để phù hợp với lịch trình bầu cử mới và giải quyết các vướng mắc trong các kỳ bầu cử trước. Tuy nhiên, ông lưu ý về tính dễ hiểu và khả năng tiếp cận của văn bản pháp luật.
Cụ thể, trong dự thảo hiện nay, có nhiều điều, khoản được sửa đổi nhưng không ghi rõ tiêu đề, gây khó khăn cho người đọc, đặc biệt là cán bộ địa phương thực hiện nhiệm vụ bầu cử. Ông đề nghị: “Cần bổ sung tiêu đề cho các điều, khoản được sửa đổi như khoản 3 bổ sung vào Điều 9 nên ghi rõ: ‘Dự kiến cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND’ để người đọc dễ nắm bắt tinh thần nội dung.”
Cân nhắc thực tiễn ở vùng sâu, vùng xa
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng thống nhất với chủ trương rút ngắn 18 mốc thời gian trong quy trình bầu cử để phù hợp với ngày bầu cử dự kiến là 15/3/2026. Tuy nhiên, ông nêu rõ hai mốc thời gian cần giữ nguyên hoặc điều chỉnh hợp lý hơn, xuất phát từ thực tiễn vùng sâu, vùng xa: Tại điểm h, khoản 2, Điều 23, liên quan thời gian chuẩn bị phát phiếu và tài liệu bầu cử, ông đề nghị: “Giữ nguyên 25 ngày, hoặc nếu rút thì chỉ nên giảm còn 20 ngày để các địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc có đủ thời gian chuẩn bị và vận chuyển tài liệu, phiếu bầu đến tận tay cử tri”. Tại khoản 1, Điều 87 về thời hạn giải quyết khiếu nại bầu cử, dự thảo đề xuất rút từ 5 ngày xuống 3 ngày.
Ông Hùng cho rằng: “Giữ nguyên 5 ngày là cần thiết vì nhiều trường hợp khiếu nại ở vùng xa cần thời gian gửi hồ sơ về trung ương. Nếu chỉ có 3 ngày sẽ rất khó đảm bảo quyền lợi của người khiếu nại”.
Phát biểu về dự thảo nghị quyết rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND các cấp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng bày tỏ sự thống nhất rất cao, nhấn mạnh rằng việc rút ngắn 3 tháng là hoàn toàn hợp lý và cần thiết để đảm bảo lộ trình Đại hội XIV và công tác kiện toàn nhân sự Nhà nước ngay sau Đại hội.
Phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Yến và Nguyễn Tâm Hùng đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao từ nhiều đại biểu Quốc hội trong tổ thảo luận. Những góp ý của bà không chỉ sát với thực tiễn triển khai tại địa phương mà còn thể hiện tầm nhìn tổng thể đối với các chính sách lớn đang được Quốc hội xem xét.
Đặc biệt, các ý kiến về cập nhật dữ liệu cá nhân sau sắp xếp đơn vị hành chính, quy định bảo đảm an toàn thông tin trong tiếp xúc cử tri trực tuyến - trực tiếp kết hợp và đề xuất điều chỉnh kỹ thuật lập pháp để phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện nội dung các dự thảo luật và nghị quyết.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)