Chiều 16/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu tại Tổ số 4 đã thảo luận đối với ba nội dung lập pháp trọng tâm gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến: “Sửa luật để bắt kịp chuyển đổi số và tăng tính khả thi trong xử lý vi phạm hành chính”. |
Góp ý đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sửa luật nhằm phù hợp với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu góp ý cụ thể tại Điều 18, đề nghị đổi cụm từ “công nghệ thông tin” thành “công nghệ số”; bổ sung quy định về xác thực dữ liệu, cơ chế kiểm tra và trách nhiệm lưu trữ thông tin điện tử.
Tại Điều 37a, đại biểu đề xuất nên quy định danh mục chức danh có thẩm quyền xử phạt kèm theo phụ lục hoặc Nghị định, thay vì liệt kê cứng trong luật. Với Điều 52 và 56, đại biểu kiến nghị cần quy định rõ giới hạn địa bàn đặc thù, cơ chế hậu kiểm, và hình thức lưu dữ liệu xử phạt không lập biên bản.
Đặc biệt, đại biểu đề xuất nghiên cứu cơ chế xử phạt hành chính trực tiếp trên biển để rút ngắn thời gian, tăng tính khả thi. Đồng thời, góp ý Điều 70 về gửi quyết định xử phạt điện tử cần quy định rõ việc “xác thực thành công” và phản hồi tích cực từ người bị xử phạt.
Đại biểu cũng kiến nghị đảm bảo quyền tư vấn pháp lý, quyền phản hồi với người bị áp dụng biện pháp giáo dục đặc biệt (Điều 99-104), và đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp trách nhiệm xử lý hồ sơ dở dang (Điều 90).
![]() |
Đại biểu Đỗ Văn Yên: “Hiện đại hóa kỳ họp Quốc hội - minh bạch, trách nhiệm và ứng dụng công nghệ thực chất”. |
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải Quân đánh giá cao việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là bổ sung trách nhiệm ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (Điều 3). Đại biểu kiến nghị cần hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ đại biểu kiêm nhiệm.
Tại Điều 6, đại biểu đề nghị làm rõ tiêu chí “ưu tiên” nội dung thảo luận để tránh áp đặt. Với Điều 7, 8 - việc mở rộng khái niệm tài liệu sang hình ảnh, video là cần thiết, nhưng cần quy định kỹ tiêu chuẩn lưu trữ, bảo mật.
Tại Điều 10, đại biểu đề xuất xác định rõ mốc tính thời hạn gửi phiếu lấy ý kiến. Với Điều 16, đại biểu đề nghị làm rõ giá trị pháp lý của ý kiến gửi bằng văn bản khi đại biểu vắng mặt. Tại Điều 27, đại biểu yêu cầu thiết lập thời hạn gửi báo cáo tổng hợp và hướng dẫn gỡ băng ghi âm chuẩn xác.
Đại biểu ủng hộ Phương án 1 tại Điều 50 - cơ quan trình chịu trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý để tăng trách nhiệm giải trình trong quy trình lập pháp.
![]() |
Đại biểu Dương Tấn Quân: “Văn bản quy phạm pháp luật phải vững chắc từ gốc, tránh lạm dụng rút gọn và bảo đảm trách nhiệm phản biện”. |
Tham gia góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Phú Mỹ cho rằng trình tự rút gọn chỉ nên áp dụng cho trường hợp thật sự cấp bách.
Tại khoản 7 Điều 1 (sửa Điều 26), đại biểu yêu cầu làm rõ tiêu chí “cấp bách” và bắt buộc đánh giá tác động chính sách đầy đủ. Tại khoản 8 (sửa Điều 29), đại biểu kiến nghị quy định rõ các tiêu chí định lượng trong đánh giá tác động đổi mới sáng tạo. Với khoản 10 (sửa Điều 33), đại biểu đề nghị quy định trách nhiệm tiếp thu ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc, công khai kết quả tiếp thu và thời điểm tính phản biện.
Tại khoản 13 và 14 (sửa Điều 51 và 54), đại biểu nhấn mạnh cần bổ sung hướng dẫn xử lý văn bản quy phạm pháp luật khi sáp nhập đơn vị hành chính, tránh chồng chéo. Về khoản 15 (sửa Điều 55), đại biểu đồng tình cấm hiệu lực hồi tố ở cấp xã nhưng đề xuất mở ngoại lệ có điều kiện. Tại khoản 18 (sửa Điều 72), đại biểu đề xuất quy định thời hạn ban hành văn bản mới trước 1/3/2027 để tránh kéo dài hiệu lực văn bản cũ.
Những ý kiến phát biểu của các đại biểu đều thẳng thắn, cụ thể, bám sát thực tiễn và có giá trị xây dựng cao. Những góp ý xác đáng vào từng điều khoản dự thảo đã nhận được sự quan tâm và đồng tình từ các đại biểu trong tổ, góp phần làm rõ nhiều nội dung quan trọng trong quá trình hoàn thiện các dự luật trình Quốc hội.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)